BVR&MT – Hội nghị COP28 được coi là hội nghị quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong 8 năm vì các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.
Giám đốc Văn phòng Khí hậu của Chính phủ Tây Ban Nha – bà Valvanera Maria Ulargui Aparicio đánh giá rằng Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) sắp diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất – UAE) là hội nghị quan trọng nhất của Liên hợp quốc về vấn đề này trong 8 năm qua, do các nhà lãnh đạo thế giới sẽ lần đầu tiên đánh giá những mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.
Đề cập cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp, bà Aparicio cho biết Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu ấn định 2023 là năm đầu tiên tiến hành đánh giá việc thực thi thỏa thuận trên toàn cầu và đây sẽ là “cuộc thử nghiệm thực sự để xác nhận rằng chúng ta có thể đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C trong thập kỷ tới hay không.”
Theo quan chức Tây Ban Nha, việc đánh giá trên toàn cầu không chỉ đơn giản là xem xét tiến độ, mà còn giúp xác định các hành động cụ thể. Công tác đánh giá này sẽ ảnh hưởng đến các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), trong đó bao gồm cả các kế hoạch cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu của mỗi quốc gia.
Bà Aparicio cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi xanh ở các nước đang phát triển. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần giúp đỡ châu Phi và những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu thông qua những mục tiêu rõ ràng và cụ thể, nếu không chúng ta sẽ khó đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.”
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách hành động khí hậu của Liên minh châu (EU) – ông Wopke Hoekstra đánh giá COP28 sẽ là cơ hội để đặt mục tiêu cao hơn so với các kỳ COP trước đây. EU có kế hoạch cắt giảm khoảng 57% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với năm 1990 và đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Còn ông Johan Rockstrom – Giám đốc Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam – cho rằng COP28 là cơ hội cuối cùng đưa ra “những cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch.”
Ông Rockstrom kêu gọi các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và EU, tăng cường giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ông cho rằng mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C là “không thể thương lượng”.