BVR&MT – Hòa Bình được biết đến là một tỉnh với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, rừng nguyên sinh, hang động kỳ vĩ, hồ nước thơ mộng… Trong đó, ruộng bậc thang xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn được đánh giá có cảnh quan, cấu trúc ruộng đẹp bậc nhất của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy du lịch mạnh mẽ, phát triển kinh tế địa phương.
Điểm đến lý tưởng
Cách trung tâm huyện Lạc Sơn khoảng 20km, với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, đường giao thông đến xã Miền Đồi quanh co, uốn lượn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy yên bình, những cung ruộng bậc thang xếp từng, tầng từng lớp, nối tiếp nhau men theo sườn đồi, thảo nguyên xanh, suối nước trong veo chảy róc rách, không khí trong lành, mát mẻ, những nếp nhà sàn truyền thống trong bản Mường, sự nồng hậu của người dân bản địa cùng những món ăn truyền thống hấp dẫn của người dân vùng cao. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng, thu hút đông đảo du khách gần xa ghé thăm.
Thời điểm này đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch lúa chiêm Xuân của địa phương, các thửa ruộng bậc thang vàng óng, uốn lượn trên các sườn đồi tạo nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp. Để có được những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp tại xã Miền Đồi, người dân nơi đây đã phải mất nhiều mồ hôi, công sức lao động của nhiều thế hệ, bằng sự cần mẫn đã kiến tạo nên hơn 400 ha ruộng bậc thang trên đồi, núi. Đó cũng là nguồn cung cấp lương thực ổn định cho gần 1.000 nhân khẩu ở Miền Đồi.
Chị Bùi Thị Phằng, xóm Thây Voi, xã Miền Đồi cho biết, ruộng bậc thang nơi đây do ông cha để lại từ đời này qua đời khác. Để canh tác được trên địa hình có độ dốc cao, nguồn nước rất quan trọng, từ đó người dân đã ý thức để giữ gìn nguồn nước tốt. Cùng với đó, việc cày bừa, chăm sóc, cấy hái khó khăn, vất vả hơn nhiều so với những cánh đồng bằng phẳng ở vùng thấp. Nhưng đây là hình thức canh tác hiệu quả đã được đồng bào Mường ở Miền Đồi áp dụng từ lâu và mang lại cuộc sống ngày càng no ấm.
Với những tiềm năng, lợi thế để phát triển về du lịch nhưng vì xa xôi, chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng, giao thông, sự kêu gọi đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp nên xã Miền Đồi vẫn là xã nghèo đặc biệt khó khăn. Từ đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học – kĩ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất lao động, tạo đột phá trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Nỗ lực thu hút đầu tư
Ông Bùi Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Miền Đồi (Lạc Sơn) cho biết: Tại Đại hội Đảng bộ xã cũng đã đưa vào Nghị quyết để khai thác để đẩy nhanh phát triển du lịch, tuy nhiên địa phương là một xã đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại. Qua đó, mong muốn được lãnh đạo cấp trên huyện, tỉnh, Trung ương quan tâm cho chính sách đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, phát triển du lịch sinh thái gắn với tập quán, truyền thống, sản xuất nông nghiệp ruộng bậc thang. Chính quyền xã cũng đang khôi phục lại giống lúa bản địa, để đăng ký trở thành sản phẩm OCOP tạo thương hiệu đặc trưng riêng của địa phương gắn với phát triển du lịch.
Anh Bùi Văn Tứ, Bí thư xóm Voi Hạ, xã Miền Đồi cho biết, những năm qua nhân dân trong xã đã đóng góp tiền của, nguyên vật liệu, ngày công để xây dựng tuyến đường liên thôn, qua đó tuyến đường được bê tông hóa một phần. Thời gian tới, anh mong muốn các cấp chính quyền xây dựng các chương trình, kế hoạch về bảo tồn, quy hoạch vùng có cảnh đẹp như ruộng bậc thang, thảo nguyên xanh, kết hợp với tuyên truyền đến bà con lưu giữ những phong tục, tập quán truyền thống, hướng đến phát triển du lịch địa phương một cách bền vững.
Anh Bùi Văn Hùng, xã Hợp Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) khách du lịch cho biết, ruộng bậc thang ở xã Miền Đồi đẹp nhất của tỉnh Hòa Bình nhưng chưa được đầu tư xứng tầm, nên nơi đây đi lại rất khó khăn. Anh mong muốn, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền quảng bá hình ảnh ruộng bậc thang nhiều hơn nữa tới khách du lịch trong nước và quốc tế đến với xã Miền Đồi nói riêng, cũng như tỉnh Hòa Bình nói chung. Ngành Du lịch tỉnh Hòa Bình muốn thực hiện hóa để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế địa phương, cũng cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi những giá trị độc đáo của nền văn hóa cổ truyền hơn nữa. Có như vậy, mới tạo ra sự đột phá, sức bật trong việc phát triển du lịch bền vững, tạo thu nhập kinh tế ổn định, phát triển chung của toàn tỉnh trong thời gian tới.