BVR&MT – Để đứng vững trên thị trường trong nước và tạo sức ảnh hưởng, vươn tầm khu vực và thế giới, nhiều doanh nhân đang nỗ lực không ngừng để xây dựng nền móng vững chắc, củng cố đội ngũ và hệ thống vận hành, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với kỳ vọng bứt phá, tạo kỳ tích trong thời kỳ hội nhập.
Ngay trước thềm kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có tầm nhìn, trí tuệ, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước. Những giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, có vị thế, uy tín, một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2045…
Thực tế, để đứng vững trên thị trường trong nước và tạo sức ảnh hưởng, vươn tầm khu vực và thế giới, nhiều doanh nhân đang nỗ lực không ngừng để xây dựng nền móng vững chắc, củng cố đội ngũ và hệ thống vận hành, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp với kỳ vọng bứt phá, tạo kỳ tích trong thời kỳ hội nhập.
Nhiều điển hình như: Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Vinamilk, Lộc Trời, Tổng công ty Kinh Bắc… đã có đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo đối trọng đáng nể với khu vực kinh tế Nhà nước; thậm chí, còn vượt bậc hơn khi đã không chỉ ghi đậm dấu ấn thương hiệu cá nhân doanh nghiệp, mà còn nâng tầm, trở thành thương hiệu quốc gia với các sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn Made in Vietnam vươn xa toàn cầu.
Có thể thấy rõ, trong vòng 5 – 6 năm trở lại đây, Việt Nam đã có bước phát triển tích cực trong việc nâng tầm hình ảnh của mình. Theo Tổ chức Brand Finance (Tổ chức về định giá thương hiệu của Anh quốc), thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022). Trong thành công này, có sự đóng góp giá trị thương hiệu của nhiều doanh nghiệp.
Câu chuyện về hành trình xây dựng thương hiệu của mỗi doanh nghiệp luôn có những sắc thái riêng nhưng đều tựu trung ở một điểm: Thương hiệu của doanh nghiệp muốn phát triển và ở mức cao bao nhiêu thì tư duy doanh nghiệp, của người đứng đầu cần phải ở tầm cao trên đó bấy nhiêu. Muốn xây dựng thương hiệu uy tín và có chỗ đứng trong lòng khách hàng thì ngoài sản phẩm tốt bằng ứng dụng khoa học công nghệ, doanh nghiệp cần luôn đặt lợi ích khách hàng lên trên; cũng như luôn ưu tiên những lợi ích của cộng đồng xã hội thể hiện văn minh doanh nghiệp. Khi có đích đến của hành trình; biết rõ xuất phát điểm của chính mình và xây dựng cho được những lộ trình, kế hoạch triển khai các chiến lược kinh doanh… việc còn lại là ý chí và hành động của doanh nghiệp để “định giá” chính mình bằng thương hiệu.
Ông Trịnh Chí Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng chia sẻ, mỗi thương hiệu đều có những hoài bão riêng từ những đam mê cháy bỏng. Hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nhựa gia dụng, sứ mệnh của Đại Đồng Tiến không chỉ cung cấp những sản phẩm nhựa cho xã hội mà trên hết là trách nhiệm với cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nhấn mạnh: Các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia không chỉ là nguồn lực của từng doanh nghiệp mà còn của cả quốc gia. Do đó, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.
Vậy nhưng, trong quá trình phát triển, bên cạnh những doanh nhân làm ăn chân chính, vận dụng trí tuệ tạo ra những sản phẩm thực chất, tham gia đóng góp cho xã hội vẫn có những “doanh nhân” vi phạm pháp luật, lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách, lách luật, thu lợi ích cá nhân làm mất hình ảnh, uy tín, thương hiệu doanh nghiệp Việt, khiến xã hội bất bình…. Những trường hợp vi phạm đã và sẽ tiếp tục bị pháp luật trừng trị thích đáng. Đây cũng là bài học, là cảnh báo về việc không ít doanh nghiệp có thói quen kinh doanh chộp giật, hám lợi trước mắt để rồi tạo ra những “thương hiệu bẩn” cho chính mình.
Trên hành trình vươn ra biển lớn, mỗi con tàu đều cần người thuyền trưởng giỏi dẫn dắt vượt qua sóng to, gió lớn. Khát vọng và lòng can đảm là chưa đủ, sức mạnh của “tay chèo” phải được tạo ra từ gốc rễ tri thức và trách nhiệm với cộng đồng.
Đất nước dù còn nhiều khó khăn, nền kinh tế đôi khi gặp biến cố, song nếu có những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp bền vững, văn minh với những doanh nhân trí thức, có tầm nhìn, trí tuệ, hiểu biết và tuân thủ pháp luật thì họ chính là những nền tảng vững chắc giúp đoàn tàu kinh tế dễ dàng vượt mọi hải trình cam go. Và chỉ khi đó, DOANH NHÂN thực sự là một từ viết hoa.a