BVR&MT – Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cho thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Mô hình “vườn – ao – chuồng” của gia đình anh Hồ Văn Kẻ, người dân tộc Vân Kiều ở bản Bù là một điển hình như thế.
Thời gian trước đây, kinh tế gia đình anh Kẻ phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất hồ tiêu và cà phê chè nhưng sản phẩm liên tục rớt giá, hồ tiêu có năm bị bệnh chết nhanh, ảnh hưởng đến thu nhập.
Để tìm lối đi phù hợp, hiệu quả trong trồng trọt, anh Kẻ dành thời gian đi học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình sản xuất ở các vùng khác trong và ngoài huyện; tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi trên internet và hội nông dân xã tổ chức.
Bằng vốn kiến thức cũng như kinh nghiệm học hỏi được, anh Kẻ quyết định chuyển đổi 1.000 m2 hồ tiêu đã bị bệnh sang trồng 100 gốc thanh long ruột đỏ. Mô hình này được anh chuẩn bị rất kỹ từ khâu làm đất, xử lý đất, bón phân đến chọn giống…
Được biết, giống thanh long được anh chọn mua từ huyện Vĩnh Linh, nguồn nước tưới được sử dụng từ giếng nước khoan của gia đình. Quá trình sản xuất anh chỉ sử dụng phân bò hoai mục, không sử dụng thuốc trừ sâu.
Kết quả bước đầu cho thấy, vườn thanh long ruột đỏ gia đình anh thích nghi nhanh với chất đất cũng như thời tiết khí hậu ở đây, phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Qua 2 năm đầu, mỗi năm vườn thanh long cho thu hoạch với tổng sản lượng trên 1 tấn quả.
Thanh long được thương lái thu mua ngay tại vườn với giá dao động từ 13 -15 nghìn đồng/kg, đảm bảo đầu ra sản phẩm.
Với phương châm chuyển đổi cây trồng phù hợp nhưng không phá bỏ hoàn toàn mà phải biết tận dụng, cải tạo diện tích cây trồng cũ đang có tiềm năng, anh Kẻ tập trung chăm bón 1 ha cà phê chè phát triển tốt, năng suất tăng qua từng năm, bình quân mỗi vụ đạt 8 tấn.
Từ kết quả trồng thanh long và cải tạo vườn tiêu, anh đầu tư chăn nuôi lợn và đào ao thả cá nhằm kết hợp xây dựng mô hình “vườn – ao – chuồng”, phát triển bổ trợ cho nhau. Hiện gia đình anh có 2 ao cá với tổng diện tích hơn 2.000 m2 thả các loại cá như rô phi, trắm cỏ, trê, mè…
Ngoài ra, anh còn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn. Nhờ chịu khó tìm tòi nghiên cứu, đi các vùng để học tập kinh nghiệm, mô hình “vườn – ao – chuồng” của anh phát triển rất thuận lợi, mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng.
Anh Kẻ cho biết: “Để mở rộng chăn nuôi, gia đình tôi đang chuẩn bị xây thêm 1 chuồng trại với 11 ô nuôi. Dần đầu tư mở rộng mô hình, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi để khai thác hết tiềm năng lợi thế của đất đai, khí hậu vùng miền. Vì thế hiện tại, tôi đã hoàn thành mặt bằng, cải tạo hơn 1.000 m2 đất, chuẩn bị hệ thống nước tưới tự động để chuẩn bị trồng thí điểm cà rốt và các loại hoa màu như ném, cải, xà lách, ngò…Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đi đến các vùng trồng rau màu và một số cây trồng khác để học tập kinh nghiệm. Tôi cũng dự định tiết kiệm tiền để đầu tư mua xe múc đất công trình làm dịch vụ thêm trong vùng, tăng thu nhập”
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Anh Kẻ là hội viên nông dân trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc bản đặc biệt khó khăn nhưng rất tích cực học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điểm đặc biệt ở anh là khó chỗ nào thì anh nghiên cứu, học hỏi ngay. Hiện gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá cao. Mô hình “vườn- ao- chuồng” của anh là một những mô hình tiêu biểu ở địa phương”.