BVR&MT – Lai Châu chưa xuất hiện các điểm nóng hoặc vấn đề nổi cộm liên quan đến ô nhiễm môi trường nông thôn. Đây là điều đáng mừng, để duy trì được kết quả này, các cấp, các ngành đã phối hợp trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, giám sát. Cùng với đó là sự đồng thuận của nhân dân các địa phương.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định, môi trường ở khu vực nông thôn của tỉnh (bao gồm: môi trường đất, không khí, nước mặt, môi trường nước dưới đất) năm 2022 có chất lượng tương đối tốt, đa số các thông số quan trắc và phân tích môi trường đều nằm trong giới hạn quy chuẩn quy định tương ứng; không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý.
Về nguồn phát thải từ các hoạt động phát triển kinh tế nông thôn như tiểu thủ công nghiệp thì chất thải phát sinh ít, chủ yếu là chất thải hữu cơ, các hộ gia đình tận dụng làm thức ăn gia súc hoặc tự xử lý làm phân bón. Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện chưa có, do đó không phát sinh chất thải ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Riêng đối với lĩnh vực trồng trọt hiện nay đang gia tăng sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV trong sản xuất và phụ phẩm nông nghiệp. Dư lượng phân hoá học có thể gây ô nhiễm nguồn nước, gây tác hại tới thủy sinh, nguồn lợi thuỷ sản và làm thoái hoá đất. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 396 bể thu gom gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy vậy vẫn còn tình trạng người dân sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, lạm dụng thuốc gây nguy cơ tồn dư hóa chất độc hại trên nông sản và môi trường đất, nước… ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các hộ, cơ sở chăn nuôi tập trung đa số đều có hồ sơ bảo vệ môi trường, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Để xử lý chất thải trong chăn nuôi, công nghệ biogas đã được sử dụng khá rộng rãi với quy mô nhỏ. Những bể biogas đã bước đầu phát huy được tác dụng trong việc bảo vệ môi trường, tạo khí đốt phục vụ đời sống.
Theo anh Phạm Tiến Lợi – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Nông nghiệp Lai Châu cho biết: Trang trại lợn Cang A (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) của công ty đầu tư với quy mô đàn lợn 2.400 con và gần tăng trưởng lên gấp đôi so với ngày đầu thành lập. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi của công ty bao gồm 8 dãy chuồng nuôi và 1 dãy chuồng cách ly nhưng mặt sàn chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ và hệ thống hầm bioga khử mùi được xử lý triệt để không ảnh hưởng môi trường. Nguồn không khí sạch tại khu vực chăn nuôi cũng là cách nói “không” với ô nhiễm, tạo điều kiện cho lợn sinh trưởng, phát triển nhanh, an toàn.
Tại các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chất thải đều được ủ làm phân bón cho sản xuất nông nghiệp; chất thải lỏng sử dụng bón cho cây trồng… Đây không chỉ là cách giảm áp lực về kinh phí cho người nông dân khi giá cả phân bón, xăng dầu tăng cao như thời gian qua mà còn góp phần quan trọng giảm chất thải ra môi trường. Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng của tỉnh là phát triển chăn nuôi tập trung và các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp (làm hầm biogas và đệm lót sinh học) sẽ được chú trọng, quan tâm nhiều hơn. Do đó sẽ từng bước hạn chế việc xả thải chất thải chăn nuôi ra bên ngoài, giảm ô nhiễm môi trường.
Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh, môi trường nông thôn cơ bản chất lượng tốt nhưng trong tương lai nếu không xử lý tốt các chất thải do hoạt động sản xuất, sinh hoạt mang lại sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe. Sở TN&MT đã chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm môi trường nông thôn. Theo đó, công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước về TN&MT trên cổng thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh và trang TTĐT của Sở.
Các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Thời gian giải quyết đảm bảo đúng quy định theo thủ tục hành chính đã ban hành. Cân đối, hài hòa giữa nhu cầu sử dụng và tiềm năng đất đai; thúc đẩy việc dồn điền, đổi thửa trong nông nghiệp và chỉnh trang đô thị. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng đầu nguồn. Không chuyển diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ các dự án quan trọng, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia.
Một giải pháp khác đó là hạn chế tối đa việc chuyển đổi đất rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng đầu nguồn, đất trồng lúa sang các mục đích sử dụng khác; rà soát, xem xét, bố trí hợp lý việc đầu tư phát triển các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản. Khắc phục tình trạng mất đất nông nghiệp do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thoái hóa đất, bạc màu, hoang mạc hóa. Giữ diện tích đất trồng lúa, hoa màu; đặc biệt là đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt. Có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để người trồng lúa yên tâm sản xuất, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh bỏ hoang gây lãng phí đất đai. Chú trọng kiểm soát ô nhiễm các lưu vực sông và nguồn nước xuyên biên giới…