Giữ rừng phòng hộ Sóc Sơn, không phải để xâm lấn mới cưỡng chế

BVR&MT – Việc cưỡng chế tháo dỡ các công trình ‘xẻ thịt’ đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn là cần thiết, nhưng cần tránh thực hiện kiểu ‘đánh trống bỏ dùi’, sau đó lại tiếp tục để xảy ra lấn chiếm.

Công trình xâm lấn đất rừng ở đồi Dõng Chum vừa bị tháo dỡ. (Ảnh: Quang Phong)

Ông Nguyễn Văn Thu, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn cho biết, lực lượng chức năng huyện đã hoàn tất việc cưỡng chế, tháo dỡ 6 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đồi Dõng Chum, thuộc thôn Ban Tiện, xã Minh Phú.

Theo UBND huyện Sóc Sơn, 6 công trình bị phá dỡ ở đồi Dõng Chum được xác định xây dựng trái phép trên đất rừng. Phía dưới chân đồi, còn 4-5 biệt thự, homestay được xây dựng kiên cố từ năm 2020 đến nay.

Ông Nguyễn Văn Thu cho biết, huyện Sóc Sơn đang tiếp tục kiểm tra hồ sơ từng công trình ở đồi Dõng Chum để có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn, các công trình còn lại ở đồi Dõng Chum được xây dựng xen kẽ trên đất vườn và đất ở. Vì vậy, cơ quan chức năng của huyện phải kiểm tra hồ sơ chứ không thể nói phá là phá được ngay.

“Thường trực Huyện ủy và Thành ủy cũng đã chỉ đạo phải thiết lập hồ sơ, xử lý các công trình đúng quy định của pháp luật”, ông Thu nhấn mạnh.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ ủng hộ quyết định xử lý nghiêm các công trình xâm lấn đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Theo ông, nếu không phá dỡ các công trình sai phạm, nhiều người sẽ bất chấp quy định của pháp luật, tiếp tục làm nhà trái phép trên đất rừng.

Cảnh ngổn ngang trên đồi Dõng Chum sau khi một ngôi nhà bị cưỡng chế.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, huyện Sóc Sơn cũng như TP Hà Nội phải xác định rõ nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt các công trình xâm lấn đất rừng phòng hộ là gì, từ đó có biện pháp xử lý tận gốc của vấn đề.

“Nhiều người cho rằng do chồng lấn quy hoạch đất rừng với đất ở nên mới dẫn đến tình trạng xâm lấn đất rừng như hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, liệu có tình trạng cán bộ ‘tạo điều kiện’ cho các công trình vi phạm đất rừng hay không?”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Thực tế, từ năm 2019, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành kết luận nêu rõ, có gần 3.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn, đa số trong đó là vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm.

Huyện Sóc Sơn đang thiết lập hồ sơ để xác định tiếp các công trình xâm lấn đất rừng ở đồi Dõng Chum.

Sau kết luận thanh tra kể trên, huyện Sóc Sơn cũng đã ra quân xử lý hàng trăm công trình xâm lấn đất rừng. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, hàng loạt công trình vẫn đua nhau mọc lên trên rừng, ven hồ ở Sóc Sơn. Trong đó, một số công trình đã bị tháo dỡ, đồng thời nhiều cán bộ bị kỷ luật.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khoá XIII cho rằng, cán bộ huyện Sóc Sơn phải rất quyết tâm mới xử lý được các công trình ‘xẻ thịt’ đất rừng. “Nhiều công trình được xây dựng bề thế ở đất rừng Sóc Sơn cả chục năm nay chưa được xử lý. Đến nay, cán bộ huyện Sóc Sơn nêu quyết tâm như vậy, thì chúng ta phải ủng hộ”, bà Bùi Thị An nói.

Theo bà Bùi Thị An, cùng với việc xử lý nghiêm các công trình vi phạm đất rừng, huyện Sóc Sơn phải có biện pháp để không tái diễn cảnh đất rừng phòng hộ bị biệt thự, homestay xâm lấn như thời gian vừa qua.

NGUỒNvietnamnet.vn
Tags: ,
CHIA SẺ