BVR&MT – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến thêm nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cho biết ông “bị sốc trước sự thờ ơ” khi số người di cư thiệt mạng ngày một tăng.
Ngày 11/9, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk cho biết biến đổi khí hậu đang gây ra những tình trạng khẩn cấp về nhân quyền tại nhiều quốc gia, đồng thời chỉ trích những thông tin sai lệch gây ra sự hỗn loạn và nhầm lẫn nhằm phủ nhận thực trạng biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc phiên họp Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ 54 tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Turk đã chỉ ra các minh chứng gần đây về cuộc khủng hoảng môi trường trên hành tinh, trong đó có tình trạng hạn hán, nắng nóng nghiêm trọng, ô nhiễm quá mức và nguồn cung cấp nước đang nhanh chóng cạn kiệt ở Basra, Iraq.
Ông nhấn mạnh thiệt hại ngày càng gia tăng là “tình trạng khẩn cấp” về nhân quyền đối với Iraq và nhiều quốc gia khác.
Cụ thể, biến đổi khí hậu đang đẩy hàng triệu người lâm vào nạn đói, hủy hoại hy vọng, cơ hội, nhà cửa và tính mạng. Trong những tháng gần đây, nhiều cảnh báo đã liên tiếp trở thành hiện thực tang thương trên toàn thế giới. Do đó, thế giới cần hành động khẩn cấp ngay lúc này.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang khiến thêm nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền cho biết ông “bị sốc trước sự thờ ơ” khi số người di cư thiệt mạng ngày một tăng.
Thống kê cho thấy hơn 2.300 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên Địa Trung Hải trong năm nay, trong đó có hơn 600 người thiệt mạng riêng trong vụ đắm tàu ngoài khơi Hy Lạp hồi tháng 6 vừa qua.
Ngoài ra, ông Turk cũng chỉ trích “những lừa dối chính trị.” Ông nêu rõ với sự hỗ trợ của các công nghệ mới, các thông tin sai sự thật đang được đưa ra và phổ biến trên diện rộng nhằm gieo rắc hỗn loạn, gây nhầm lẫn và cuối cùng là phủ nhận thực trạng của tình trạng biến đổi khí hậu để đảm bảo lợi ích nhóm.
Tuyên bố trên được Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tuần qua ủng hộ mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, tuy nhiên không cam kết dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch./.