BVR&MT – Gần đây, bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng, ở một số địa phương khu vực phía bắc vẫn xuất hiện tình trạng người dân dùng kích điện bắt giun đất bán cho các cơ sở sơ chế. Đó không chỉ là hành động tận diệt giun đất mà còn ảnh hưởng đến các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất canh tác, tác động xấu đến cây trồng…
Lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ dụng cụ kích điện, lập biên bản hàng chục cá nhân vi phạm; trong đó, tại tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày 8/8 phát hiện 26 cá nhân đánh kích giun, chín cơ sở thu mua, sơ chế và 30 bộ kích điện tại các huyện: Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Yên Thế, Lạng Giang.
Giảm chất lượng đất canh tác
Tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), tình trạng bắt giun đất bằng kích điện rộ lên từ khoảng giữa tháng 3 đến cuối tháng 7/2023 ở một số xã như: Tân Quang, Tân Lập, Đồng Cốc, Giáp Sơn, Cấm Sơn, Kiên Lao, Quý Sơn…
Sau đó, chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý, kết hợp tuyên truyền nên tình trạng trên đã giảm. Tuy nhiên, vì hám lợi, một số người dân vẫn lợi dụng đêm tối, buổi trưa, nơi vắng người, nhất là sau trận mưa, lén lút dùng kích điện bắt giun.
Tại xã Tân Sơn (Lục Ngạn), cuối tháng 7 lực lượng chức năng đã kiểm tra một cơ sở thu mua, sơ chế giun ở thôn Phố Chợ. Cơ sở này thu mua giun đất từ ngày 30/3 với số lượng 40 đến 60 kg/ngày với giá từ 45 nghìn đến 65 nghìn đồng/kg giun tươi. Mỗi ngày có 4 đến 6 người từ xã Sa Lý và Tân Sơn đến bán giun cho cơ sở. Sau khi sấy khô, giun được cơ sở này bán với giá từ 650 nghìn đến 700 nghìn đồng/kg.
UBND xã đã lập biên bản đề nghị cơ sở này tạm dừng thu mua giun đất; tuyên truyền nhắc nhở không tiếp tục kích giun.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, hiện nay tình trạng người dân hai huyện Kim Bôi và Cao Phong dùng máy kích điện bắt giun đất, bán cho thương lái vẫn diễn ra rầm rộ, các lò sấy vẫn đỏ lửa.
Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn, Bạch Công Dương cho biết: “Trên địa bàn hiện có nhiều lò sấy giun đất. Thời gian qua, tình trạng người dân đi bắt giun từ nơi khác về bán cho các lò sấy vẫn diễn ra. Mặc dù chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân nhưng tình trạng bắt và sấy giun đất vẫn còn. Hiện nay, chúng tôi chưa có chế tài để xử lý triệt để tình trạng này”.
Người dân trong khu vực bức xúc cho chúng tôi biết, tình trạng này diễn ra mấy năm nay. Chủ lò sau khi thu gom giun đất từ nhiều nơi về nhốt trong thùng, thuê người mổ sạch rồi đưa vào lò sấy. Lúc đốt lò để sấy giun, mùi hôi bay ra quanh khu vực rất khó chịu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại xóm Thung, xã Tú Sơn có tới 23 lò sấy giun. Trung bình một lò sấy có thể hoạt động liên tục với công suất từ 1 đến 4 tấn giun tươi.
Tại xóm Vỏ, xã Thu Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình), anh Nguyễn Anh Tuân bức xúc cho biết: “Nhà tôi có 3,5ha trồng cam, năm 2021 các đối tượng kích giun cấu kết với người trông vườn thuê vào kích nửa diện tích. Trong vòng 3 đêm, các đối tượng này đã kích được 2 tấn giun đất. Cuối năm đó, cả nửa vườn cam của gia đình bị rụng lá và không cho quả, phải phá đi trồng lại. Quá trình trồng lại phải bổ sung phân chuồng rất nhiều đất mới có dinh dưỡng, cây phát triển được. Gần đây, vào đêm 21/8 các đối tượng lại vào sát vườn nhà tôi để kích giun. Khi bị phát hiện, tôi chưa kịp tổ chức bắt thì các đối tượng đã tẩu thoát”.
Khó khăn trong xử lý
Theo cơ quan chức năng các địa phương, mặc dù biết việc dùng kích điện bắt giun đất gây ra nhiều tác hại đến cây trồng, nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn bởi các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, nơi vắng người… để hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) Nguyễn Văn Thái cho biết: “Trung bình mỗi ngày, một máy kích điện có thể đánh được 5 đến 10 kg giun tươi. Thời gian đầu, người dân cho các đối tượng này vào vườn của gia đình kích giun nhưng sau khi được tuyên truyền, bà con nhận ra được tác hại nên ngăn cấm, trong đó, nhiều hộ dựng biển cấm kích giun đất tại vườn nhà. Khi không được kích giun ở vườn nhà dân, nhóm người này tìm đến những khu đất công cộng, bãi đất ven đường, bờ mương, nơi vắng người để hoạt động. Những cá nhân kích điện bắt giun đất khi bị tổ công tác lập biên bản vi phạm và tạm giữ dụng cụ bắt giun, thì quanh co chối cãi nói không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các đối tượng cho rằng mình chưa được tuyên truyền về việc cấm đánh bắt giun và chỉ bắt giun về bẫy lươn chứ không phải đem bán…”.
Cũng tại huyện Lục Ngạn, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn lập biên bản những trường hợp vi phạm nhưng hiện nay khâu xử lý đang gặp khó khăn, mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở là chính.
Ông Trương Văn Trường, thôn Bồng 1, xã Thanh Hải cho biết: “Người dân rất bức xúc và lo ngại trước tình trạng các đối tượng ở nơi khác vào vườn đánh kích giun, khi phát hiện bà con chỉ xua đuổi, nhưng đuổi ở chỗ này họ lại chạy đến khu vực khác hoạt động”.
Đại diện Công an xã Mỹ An cho rằng, bước đầu lực lượng chức năng chỉ lập biên bản tạm giữ thiết bị kích giun và nhắc nhở, răn đe. Song để xử lý các cá nhân liên quan, Công an xã đang lúng túng, chờ cấp trên hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, giá bán giun hiện đang khá cao, vì lợi nhuận trước mắt mà một số người vẫn đánh kích vào ban đêm ở những khu vực vắng người.
Chủ tịch UBND xã Thu Phong Vũ Thế Dũng cho biết: “Tình trạng bắt giun đất bằng máy kích điện đã gây bức xúc cho nhân dân trên địa bàn. Các cấp chính quyền cũng vào cuộc quyết liệt nhưng chỉ áp dụng biện pháp tịch thu máy kích điện. Vừa qua, chúng tôi phối hợp với lực lượng công an ra quân bắt và tịch thu được 9 máy kích điện. Để chấm dứt tình trạng trên rất cần có chế tài thật mạnh để xử lý”.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho biết: “Để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần có sự phối hợp quyết liệt của nhiều ngành để xử lý. Xử lý càng sớm càng tốt, bởi giun đất rất có lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nó được ví như một lưỡi cày sinh học của nhà nông, làm cho đất tơi xốp; đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tạo điều kiện để sinh ra các chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt. Do đó, việc đánh bắt giun đất là hoạt động hủy diệt làm ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, ảnh hưởng tới môi trường”.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian vừa qua trên địa bàn một số tỉnh phía bắc xuất hiện hoạt động sử dụng kích điện đánh bắt giun đất và tình trạng sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất. Đây là hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng. Vì vậy, Cục Trồng trọt đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý nhằm ngăn chặn hoạt động trên; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người trực tiếp có hành động kích điện giun đất, các cơ sở, hộ gia đình sơ chế, thu mua, buôn bán giun đất; khuyến khích người dân tích cực phát giác, thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện hoạt động kích điện, sơ chế giun đất trái phép để có biện pháp xử lý vi phạm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho rằng, các địa phương cần nâng cao ý thức của cộng đồng trong bảo vệ giun đất và ngăn chặn các hành vi tận diệt giun đất; vận động người dân đấu tranh, ngăn chặn hành vi kích điện bắt giun đất; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt giun đất bằng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế theo quy định của pháp luật…
Người dân rất bức xúc và lo ngại trước tình trạng các đối tượng ở nơi khác vào vườn đánh kích giun, khi phát hiện bà con chỉ xua đuổi, nhưng đuổi ở chỗ này họ lại chạy đến khu vực khác hoạt động.
Ông Trương Văn Trường ở thôn Bồng 1 (xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) |