BVR&MT – Ngày 28/8, Nhật Bản cho biết nước này vô cùng đáng tiếc khi có nhiều trường hợp gọi điện quấy rối từ Trung Quốc, liên quan đến việc xả nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Theo hãng tin Reuters (Anh), trong cuộc họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, cho biết: “Có rất nhiều cuộc điện thoại quấy rối được cho là từ Trung Quốc đã gọi đến Nhật Bản. Diễn biến này vô cùng đáng tiếc và khiến chúng tôi lo ngại”.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết những cuộc gọi này đã khiến Thứ trưởng Ngoại giao Masataka Okano triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng các cuộc gọi quấy rối cũng được ghi nhận tại những cơ sở của Nhật ở Trung Quốc. Đồng thời, bộ kêu gọi Bắc Kinh nhanh chóng có hành động thích hợp, đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản.
Một quan chức thành phố Fukushima, thủ phủ tỉnh Fukushima cho hay tòa thị chính bắt đầu nhận được các cuộc gọi có mã quốc gia 86, của Trung Quốc, từ ngày 24/8. Số cuộc gọi này đã tăng lên hơn 200 vào hôm sau, khiến đường dây điện thoại bị quá tải và gây gián đoạn công việc thường ngày của chính quyền thành phố.
Vị quan chức này cho biết cùng ngày, các trường tiểu học và trung học cơ sở trong thành phố, cách nhà máy Fukushima 60 km về phía tây bắc, đã nhận được 65 cuộc gọi tương tự.
Khi một người biết tiếng Trung nhấc máy, người ở đầu dây bên kia nói: “Tại sao lại xả nước nhiễm độc ra Thái Bình Dương, vùng biển dành cho tất cả mọi người”.
Truyền thông địa phương cho biết các thành phố trực thuộc trung ương, khách sạn và nhà hàng khác cũng nhận được những cuộc gọi tương tự kể từ khi Nhật Bản xả nước thải.
Trước đó, hôm 24/8, Nhật Bản đã bắt đầu xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển Thái Bình Dường. Đây là động thái quan trọng hướng tới việc ngừng hoạt động nhà máy Fukushima, nơi đã hứng chịu 3 sự cố sau khi bị sóng thần tấn công vào năm 2011 sau một trận động đất mạnh.
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết họ có kế hoạch thực hiện đợt xả đầu tiên trong 17 ngày để xả 7.800 tấn nước thải phóng xạ. Cũng theo TEPCO, trong năm tài chính hiện tại tính đến tháng 3 năm tới, tổng cộng 31.200 tấn sẽ được xả thải.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định tiến trình xả thải của Nhật Bản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu. IAEA cũng cho biết nồng độ triti trong nước thải được xả ra Thái Bình Dương từ nhà máy Fukushima thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Chính phủ Nhật Bản cho biết không phát hiện triti trong các mẫu cá đầu tiên đánh bắt tại vùng biển gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nơi đã bắt đầu tiến hành quá trình xả nước thải đã qua xử lý phóng xạ ra biển.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và các nước láng giềng tỏ ra hoài nghi về những đánh giá này.
Trong đó, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vì cho rằng đây là một vấn đề lớn đối với an toàn hạt nhân và có tác động xuyên biên giới. Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu toàn bộ sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc từ toàn bộ tỉnh thành của Nhật Bản. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình xả nước thải của Nhật Bản và điều chỉnh các biện pháp quản lý liên quan”.