BVR&MT – Sáng nay (11/8), UBND TP. Hà Nội đã có Công văn hỏa tốc số 3905/UBND-KGVX yêu cầu toàn Thành phố ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun thuốc diệt muỗi diện rộng, kết hợp tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết (SXH) từ 12/8 và duy trì thường xuyên đến ngày 4/9.
Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng nhanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và đã ghi nhận 07 trường hợp tử vong.
Để tăng cường hiệu quả cho công tác dập dịch, UBND Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 698-CV/TU ngày 31/7/2017 của Thành ủy Hà Nội và Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 11/7/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.
Đồng thời, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thành lập ngay các Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống sốt xuất huyết; duy trì thường xuyên, liên tục các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch, tổ chức kiểm tra lại các ổ dịch đã xử lý. Bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống SXH (kinh phí từ nguồn phòng chống dịch, kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn lực khác…).
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu các cấp chính quyền, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể và toàn thể người dân tham gia phòng, chống SXH. Kiên quyết xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện hoặc không hợp tác thực hiện các biện pháp phòng chống SXH tại địa phương đúng quy định pháp luật. Hàng tuần tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm khống chế hiệu quả tình hình SXH tại địa phương.
Sở Y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp chuyên môn kỹ thuật, giám sát, điều tra, thành lập bộ phận thường trực, tổ chức cập nhật, hàng ngày, nắm chắc số liệu, ổ dịch tại cộng đồng, xử lý và hướng dẫn các địa phương, đơn vị xử lý triệt để ổ dịch, lựa chọn hóa chất, cách pha đúng tỷ lệ, nồng độ quy định và khuyến cáo của nhà sản xuất, áp dụng phương pháp, thời gian và lưu lượng thuốc phun phù hợp đặc điểm sinh lý, sinh thái của muỗi, bọ gậy,… bảo đảm số lượng hoạt chất, liều phun quy định không gây độc và lãng phí thuốc. Đồng thời, thực hiện công tác cấp cứu, điều trị và phân tuyến điều trị cho người bệnh mắc SXH, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống SXH.
Đông Nghi – Vũ Phương