BVR&MT – Nhiều tỉnh Tây Nguyên đã mạnh tay loại khỏi quy hoạch nhiều dự án thủy điện có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng.
UBND tỉnh Gia Lai ngày 9/8 đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan về công tác quản lý, đầu tư xây dựng, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn.
Công suất rất nhỏ
Theo quy hoạch, tỉnh Gia Lai có 74 công trình thủy điện. Qua rà soát, tỉnh đã loại khỏi quy hoạch 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ (tổng công suất hơn 44 MW). Trong số này, nhiều dự án có công suất rất nhỏ, chỉ từ 0,25 MW (thủy điện Thác Lồ Ô) đến 0,6 MW (thủy điện Smlá 2, thủy điện Ia Tơ Ver).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai đã dừng vận hành Thủy điện Kanak công suất 0,18 MW và Thủy điện Ia Kha công suất 0,225 MW. Ngoài ra, trên địa bàn đang có 14 dự án đã được quy hoạch nhưng chưa có chủ trương đầu tư. Trong đó, 7 dự án đã được UBND tỉnh Gia Lai thống nhất với Bộ Công Thương đưa ra khỏi quy hoạch và đang chờ kết quả cuối cùng từ bộ này.
Đáng chú ý, trong số này có dự án Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) đã 2 lần bị vỡ đập khi đang thi công (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin). UBND tỉnh Gia Lai đã thống nhất không cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai và đã thu hồi dự án. Hiện nay, một số doanh nghiệp xin thực hiện khảo sát để đầu tư dự án thủy điện nhưng UBND tỉnh Gia Lai chưa cho phép do ảnh hưởng đến rừng và đất rừng, như thủy điện Đắk Trai ở huyện Kbang.
Ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết 17 dự án vừa loại khỏi quy hoạch là những dự án thủy điện nhỏ, có ảnh hưởng tiêu cực đến rừng và đất rừng. “Dự án thủy điện, sản xuất công nghiệp nào cũng có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Phân tích tổng thể cái nào tích cực hơn thì cho triển khai, cái nào tiêu cực nhiều thì loại bỏ” – ông Quang nhìn nhận.
Tiềm năng… kém hiệu quả
Theo báo cáo ngày 18-7 của UBND tỉnh Đắk Lắk, đến nay, tỉnh này và Bộ Công Thương đã loại bỏ 13/22 công trình và 71/79 điểm tiềm năng thủy điện đã được quy hoạch trước đó.
UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết năm 2005, tỉnh đã quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ với 22 công trình và 79 điểm có tiềm năng thủy điện – tổng công suất khoảng 190 MW. Trong đó, 10 công trình đã đầu tư xây dựng, 12 công trình đã được khảo sát thực tế tính toán chỉ tiêu kỹ thuật để đưa vào xây dựng giai đoạn 1.
Tuy nhiên, do có nhiều thủy điện tác động đến rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và kém hiệu quả kinh tế nên tỉnh Đắk Lắk đề xuất với Bộ Công Thương rà soát, loại bỏ nhiều dự án, điểm tiềm năng ra khỏi quy hoạch. Điển hình là Nhà máy Thủy điện Đrăng Pốk có công suất dự kiến 26 MW.
Đrăng Pốk là dự án thủy điện có nhiều “tai tiếng” do nằm ngay trong vùng lõi Vườn Quốc giá Yók Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Nếu được triển khai xây dựng, ngoài việc làm mất hàng chục hecta rừng trong vùng lõi của vườn quốc gia, dự án còn tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học… Năm 2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định loại bỏ dự án này ra khỏi quy hoạch. Năm 2017, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục rà soát, loại bỏ thêm dự án Nhà máy Thủy điện Buôn Bra.
“Đắk Lắk kiên quyết loại bỏ các dự án nhà máy thủy điện ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, đời sống của người dân” – ông Nguyễn Ngọc Thông, Trưởng Phòng Kỹ thuật An toàn môi trường thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, khẳng định.
Người dân thở phào Khi nghe thông tin Thủy điện Ia Krêl 2 không được phép tiếp tục thi công, bà Rơ Châm H’Pinh (ngụ làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) tỏ ra vui mừng vì những đêm ngủ tại chòi rẫy không còn nơm nớp sợ nước lũ cuốn trôi. “Vào tháng 9-2016, khi mình cùng anh em đang ngủ thì bị nước lũ qua đập thủy điện Ia Krêl 2 tràn về suýt cuốn trôi. Đêm đó, mấy anh em phải trèo lên gốc cây bằng lăng trốn lũ, may mắn có bộ đội biên phòng tới cứu kịp thời” – bà H’Pinh kể. Sau 2 lần vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, gia đình bà H’Pinh bị thiệt hại nặng nề về tài sản nhưng rất lâu mới được đền bù. |