BVR&MT – Đại Từ có trên 29.500ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 50% trong tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện. Những năm qua, cùng với lực lượng Kiểm lâm, trên 180 tổ quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) tại 29 xã, thị trấn của huyện đã tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từ cơ sở.
Khu vực rừng phòng hộ hồ Phượng Hoàng có tổng diện tích trên 400ha. Tại đây còn khá nhiều cây gỗ lớn cùng thảm thực vật phong phú. Ở khu vực này, từ gần 8 năm nay, cứ đều đặn mỗi tuần một lần, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm và các thành viên Tổ QLBVR xóm 12, xã Cù Vân, lại tập trung cùng nhau đi tuần tra, kiểm soát.
Vì địa bàn rộng, địa hình rừng núi lại hiểm trở nên mỗi lần đi tuần tra, 9 thành viên trong Tổ QLBVR xóm 12 thường phải chia thành 2-3 tốp, đi từ sáng sớm đến tối muộn. Ngoài những buổi tuần tra theo quy định, các thành viên trong Tổ cũng chủ động theo dõi, bám sát địa bàn.
Bà Thắm chia sẻ: Hồ Phượng Hoàng rộng, có phong cảnh đẹp nên thường xuyên thu hút nhiều bạn trẻ đi theo nhóm đến tham quan, cắm trại. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng nếu du khách không thực hiện nghiêm các quy định. Do vậy, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân và du khách cẩn trọng khi sử dụng lửa. Nhờ vậy, rừng luôn được quản lý, bảo vệ tốt, không xảy ra cháy rừng hay tình trạng khai thác trái phép.
Theo ông Vũ Thế Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ: Rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đại Từ được phân thành 3 loại, đó là: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, rừng trồng chiếm diện tích chủ yếu, rừng tự nhiên còn lại ít, tập trung ở các khu rừng đặc dụng và phòng hộ thuộc quyền quản lý của các chủ rừng Nhà nước là Vườn Quốc gia Tam Đảo; Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên; Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Đại Từ. Để bảo vệ và phát triển rừng, ngoài kết hợp với các chủ rừng, thời gian qua, chúng tôi còn tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các xã, thị trấn của huyện Đại Từ, cũng như các khu vực giáp ranh.
Tại các xóm, 182 tổ QLBVR, với trên 1.300 thành viên. Hiện nay, 100% xã, thị trấn trong toàn huyện đều có tổ QLBVR. Mỗi xã, có 6-7 tổ, nhiều nhất là xã Yên Lãng với gần 30 tổ QLBVR. Mỗi tổ có 6-12 thành viên. Các tổ QLBVR là “cánh tay nối dài” của lực lượng Kiểm lâm trong tuần tra, bảo vệ, phát triển rừng. Họ chính là “tai mắt” ở cơ sở, giúp rừng được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Từ thông tin do các thành viên tổ QLBVR cung cấp, nhiều vấn đề phát sinh được lực lượng Kiểm lâm nắm bắt, xử lý kịp thời.
Theo ông Cường: Các thành viên tổ QLBVR đều là người dân địa phương. Bởi vậy, hơn ai hết, họ hiểu được giá trị của rừng cũng như việc QLBVR.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Tổ trưởng Tổ QLBVR xóm Phúc Lẩm, nói: Phúc Lẩm có diện tích rừng nhiều nhất xã Tiên Hội, với trên 122ha. Rừng giữ đất, giữ nước, bảo vệ đất khỏi xói mòn, sạt lở. Hơn nữa, nguồn thu nhập chính của bà con trong xóm là từ thâm canh chè và trồng rừng. Vì vậy, nhìn chung, người dân trong vùng đều có ý thức cao trong việc bảo vệ, phát triển rừng, tích cực phối hợp cùng các thành viên Tổ QLBVR khi thực hiện nhiệm vụ. Vào mùa hanh khô, chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, đồng thời, hướng dẫn người dân phát dọn thực bì để phòng cháy rừng.
Ngoài việc tuần tra, theo dõi diễn biến rừng, thành viên của các tổ QLBVR còn là “tai mắt” của lực lượng Kiểm lâm trong nắm bắt thông tin địa bàn về công tác QLBVR; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật lâm nghiệp.
Để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho tổ QLBVR, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy rừng; tuyên truyền quy định của Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã tổ chức 13 lớp tuyên truyền, với gần 800 lượt người tham gia, kết hợp tuyên truyền trong các buổi làm việc trực tiếp tại cơ sở…
Tuy nhiên, dù là lực lượng nòng cốt, hoạt động tích cực, hiệu quả tại cơ sở, vậy nhưng mức chi cho hoạt động của lực lượng tham gia tổ QLBVR hiện còn khiêm tốn (70 nghìn đồng/tháng đối với tổ trưởng). Do đó, thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ sẽ tiếp tục đề xuất nâng mức phụ cấp đối với lực lượng này, tạo động lực cho người dân tham gia QLBVR.