BVR&MT – Đầu tháng 8, quần thể tâm linh Sun World Fansipan Legend được vinh danh “Quần thể Văn hóa Tâm linh tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương”, do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội đồng Thương mại & Công nghệ Toàn cầu Ấn Độ trao tặng.
Giải thưởng thuộc khuôn khổ Diễn đàn Giao lưu Kinh tế – Văn hóa Việt Nam – Ấn Độ, được tổ chức tại Ấn Độ. Chương trình có sự tham dự, ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Liên hiệp UNESCO Châu Á – Thái Bình Dương, Liên hiệp UNESCO Việt Nam và hơn 80 nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, doanh nghiệp…
Quần thể văn hóa tâm linh Sun World Fansipan Legend do Sun Group đầu tư là một trong 80 đại diện của Việt Nam được vinh danh và trao tặng giải thưởng tại diễn đàn. Khu du lịch được lựa chọn vinh danh dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe như thương hiệu uy tín với khách hàng, có định hướng phát triển bền vững, có chính sách và kế hoạch phát triển thương hiệu lâu dài, cam kết giữ vững những giá trị của diễn đàn.
Quần thể văn hóa tâm linh Fansipan là công trình thứ 2, sau hệ thống cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới được xây dựng tại đỉnh thiêng Fansipan. Quần thể từng được Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính gọi là “một kỳ tích ngoạn mục” bởi được xây dựng trên địa hình núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt của đỉnh thiêng Fansipan với kiến trúc và quy mô hòa hợp với thiên nhiên.
Quần thể trải dài từ độ cao 2.900m đến 3.143m trên khu vực đỉnh Fansipan, bao gồm 12 công trình, mang hồn cốt của những ngôi chùa Việt cổ tại Bắc Bộ ở thế kỷ XV-XVI. Các hạng mục công trình thuộc quần thể có kích thước hạn chế, nương theo thế đất, tựa vào địa hình vốn có, giữ lại cây cỏ, như đã hiện hữu nơi non cao từ hàng trăm năm trước. Đặc biệt, từng ngôi đền, chùa, tượng… nơi đây đều được kỳ công kiến tạo từ vật liệu quý, bền vững như đá xanh Ninh Bình, gạch ngói phục chế, gỗ tứ thiết…, vừa để đảm bảo sự trường tồn với thời gian nhưng cũng để tái hiện sự “nguyên bản” hết mức có thể những tinh hoa của kiến trúc Chùa Việt từ cả trăm năm trước…
Điểm nhấn của quần thể này phải kể đến Kim Sơn Bảo Thắng Tự, nằm ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển, có cấu trúc “nội công ngoại quốc”, với đầy đủ tiền đường – tam bảo – nhà tổ – hành lang bên, tháp đá và tam quan. Ngoài ra còn có Đại tượng Phật A Di Đà cao 21m, được tạo tác từ hàng chục ngàn tấm đồng mỏng, ốp bằng kỹ thuật đặc biệt trên một khung thép có thể tích 1000m3, hiện đang giữ kỷ lục “Tượng Phật A Di Đà bằng đồng ở độ cao cao nhất Châu Á”.
Hàng năm, quần thể văn hóa tâm linh Fansipan tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, tâm linh theo lịch Phật sự như Hội xuân mở cổng trời, Đại lễ Phật Đản, Đại lễ Vu Lan… thu hút sự tham gia của hàng trăm ngàn bậc Trụ trì, Tăng, Ni, Phật tử cả nước.
Nhà sử học, Giáo sư Lê Văn Lan từng phân tích rằng Fansipan nằm chính giữa trục thần đạo, được tạo thành từ cao điểm lớn nhất của thế giới là Himalaya đến cao điểm linh thiêng của Việt Nam là Ba Vì. Đặc biệt đỉnh Fansipan cũng là đỉnh thiêng nằm trong trục thần đạo đất Việt, kết nối với đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) hay Bà Đen (Tây Ninh), vì vậy ông tin rằng khí trời và long mạch tụ tại nơi đây.
“Fansipan là mạch liền nối đường huyệt đạo lên Himalaya của Lâm Tì Ni, Nepal – đất Phật là điểm chốt ở đó. Ngày nay trên đỉnh Fansipan, văn hóa Phật giáo cũng chiếm lĩnh, chính sự cân bằng giữa Phật giáo và thế giới tâm linh bản địa đã tạo nên giá trị có một không hai của đỉnh Fansipan”, ông nói.
Sự xuất hiện của quần thể tâm linh trên đỉnh Fansipan đã biến nơi đây từ một ngọn núi huyền tích từng chỉ được biết đến với những thử thách chinh phục, trở thành chốn thiền môn thanh tịnh, nơi du khách và Phật tử lạc bước giữa cõi tâm linh màu nhiệm. Fansipan bởi thế, không chỉ còn là điểm du sơn đơn thuần mà trở về đúng nghĩa cao điểm linh thiêng nước Việt, di sản cho ngàn đời sau.
Giải thưởng “Quần thể Văn hóa Tâm linh tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương” là danh hiệu quốc tế đầu tiên dành cho quần thể văn hóa tâm linh Fansipan, được công nhận bởi tổ chức uy tín trên thế giới. Điều này có ý nghĩa lớn, khẳng định những nỗ lực đóng góp của Sun World Fansipan Legend trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế địa phương, đồng thời nâng tầm du lịch Lào Cai nói chung và Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
Đình Tưởng