BVR&MT – Dự thảo Chương trình Mục tiêu quốc gia “Chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Đây là chương trình tổng thể mang tính chiến lược và toàn diện trong chính sách phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Vấn đề quan trọng này rất cần sự chủ động phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện, trong đó có lực lượng Bộ đội Biên phòng ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là biên giới, hải đảo.
Sau 30 năm ký kết chương trình phối hợp công tác, ngành văn hóa và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới, hải đảo. Thông qua xây dựng, thực hiện các đề án, chính sách liên quan đến văn hóa và dân tộc, cụ thể là: Đề án Bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Đề án Tổ chức định kỳ Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030 và Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030…, hai bên đã triển khai thực hiện công tác phổ biến tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, đồng bào dân tộc với nhiều cách làm mới.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về “Chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045” là một chương trình lớn mang tầm thời đại, điểm bắt đầu chính là xây dựng văn hóa từ cơ sở. Trong dự thảo danh mục các nhiệm vụ, nhóm dự án số 2 “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa” có tiểu mục “Xây dựng đời sống văn hóa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống để phát triển sinh kế của các cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi” và nhóm dự án số 3 “Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa, tiểu mục đa dạng hóa các hình thức, phương thức tuyên truyền, giáo dục về văn hóa trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương thức tiếp cận trực tiếp đến quần chúng, nhân dân” cùng nhóm dự án số 4 “Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tiểu mục bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”… đều rất cần sự tham gia đặc biệt của lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Hiện nay, chương trình mục tiêu quốc gia đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, các chuyên gia và nhà quản lý văn hóa để sớm hoàn thiện trình Chính phủ. Từ nhiều năm nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã xung kích, phát huy vai trò đi đầu trong tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực đối với đời sống nhân dân nơi đây.
Điều này càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc phối hợp hiệu quả với lực lượng Bộ đội Biên phòng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo; biên phòng văn hóa, góp phần thực hiện hiệu quả một trong những mục tiêu của dự thảo là bảo tồn, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng.
Hiện nay, 44/44 Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành phố đã có nhà văn hóa với gần 350 cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Về cơ bản, 433 đồn biên phòng có tổ, đội tuyên truyền văn hóa, thường xuyên xây dựng các chương trình văn hóa văn nghệ, biểu diễn tại chỗ và lưu động phục vụ nhân dân. Đặc biệt các tổ, đội này đã phát huy vai trò vận động, xây dựng phong trào, khôi phục các loại hình diễn xướng truyền thống, biểu diễn văn nghệ lồng ghép tuyên truyền góp phần ổn định tình hình ở các khu vực biên giới trọng điểm (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ). Các đồn biên phòng đều có thư viện, tủ sách, trang bị hệ thống âm thanh, phương tiện phục vụ biểu diễn văn nghệ kết hợp thông tin lưu động, hệ thống truyền thanh nội bộ… để đưa ánh sáng của văn hóa đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.
Các hoạt động phối hợp nêu trên vừa lồng ghép về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tổ chức lễ hội, ngày hội văn hóa để đưa văn hóa đến vùng sâu, vùng xa, duy trì ngày hội thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tăng cường sự đoàn kết cộng đồng các dân tộc và giữa bộ đội với nhân dân. Bộ đội Biên phòng còn đồng hành, hướng dẫn đồng bào phát triển các điểm du lịch cộng đồng tuyến biên giới, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng biên giới, vừa cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Trước thực trạng ngôn ngữ, trang phục truyền thống, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số đang có chiều hướng dần mai một dưới những tác động khách quan, nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc càng trở nên cấp thiết. Chương trình Mục tiêu quốc gia Chấn hưng, phát triển xây dựng con người Việt Nam, trong đó có những mục tiêu dành cho vùng biên giới, hải đảo được xây dựng và triển khai sẽ là nền tảng định hướng cho đầu tư, phối hợp của ngành văn hóa và biên phòng hiệu quả hơn.
Hiện tại, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn bản sắc đòi hỏi phải huy động được các nguồn lực, trong khi công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn vùng miền núi và dân tộc thiểu số rất khó khăn. Nhận thức về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thống nhất, dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành còn tản mạn, thì lực lượng Bộ đội Biên phòng đã và đang thật sự là điểm tựa cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần khu vực biên giới.