BVR&MT – Trong quá trình giám sát tại các địa phương về 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh việc nhiều hạng mục đầu tư, công trình xây dựng thiết yếu để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân chưa được thực hiện.
Chậm giải ngân vốn chương trình MTQG
Vấn đề này cũng được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 5, khi Quốc hội thảo luận về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG).
Nhiều ĐBQH đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo, thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, Quốc hội cần rà soát, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội. Đặc biệt, cần ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập về cơ chế chính sách, những quy định hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.
Đơn cử như tỉnh Nghệ An, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn Ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 của 3 Chương trình MTQG được Thủ tướng giao cho tỉnh là hơn 5.344 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đã phân bổ số vốn hơn 4.931 tỷ đồng để thực hiện. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã giải ngân đạt 35,68% kế hoạch vốn đầu tư phát triển, gần 11% kế hoạch vốn sự nghiệp.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ, tỷ lệ giải ngân các Chương trình MQTG còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Kế hoạch vốn sự nghiệp giao muộn, việc đề xuất chưa thực sự bám sát tình hình thực tế các địa phương. Đối với vốn đầu tư phát triển, có sự chênh lệch đáng kể tỷ lệ giải ngân giữa các Chương trình MTQG. Năng lực đội ngũ cán bộ cấp huyện, nhất là các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn hạn chế.
Cũng theo tỉnh Nghệ An, việc triển khai Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 chưa đồng bộ với thời điểm triển khai kế hoạch vốn đầu tư tập trung giai đoạn 2021 – 2025 nên khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng trực tiếp để thực hiện các Chương trình MTQG. Trong quá trình triển khai, một số văn bản của Bộ, ngành chậm ban hành nên các địa phương phải chờ, lúng túng, chậm triển khai hoặc không triển khai được. Trung ương phân bổ vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện một số dự án thành phần còn chưa hợp lý, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai. Các dự án vốn đầu tư phát triển phải mất nhiều thời gian để lập, thẩm định, quyết định đầu tư nên đã ảnh hưởng đến tiến độ bố trí vốn hàng năm.
Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn giám sát do Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì, đoàn giám sát đã đề nghị tỉnh Nghệ An làm rõ nguyên nhân chủ quan khiến tỷ lệ giải ngân 3 Chương trình MTQG còn thấp, đánh giá đúng thực chất kết quả cũng như tính bền vững của việc thực hiện các Chương trình. Ngoài nguyên nhân khách quan, có hay không nguyên nhân từ văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương chưa rõ, thậm chí lòng vòng, chồng chéo lẫn nhau? Trong phân bổ nguồn vốn, đầu tư cho các dự án, tiểu dự án, Đoàn giám sát đặt câu hỏi, liệu có manh mún, nhỏ lẻ? Có hay không tình trạng “luật con, giấy phép con”?
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, cũng có một phần nguyên nhân chủ quan từ việc chỉ đạo điều hành dẫn đến tỷ lệ giải ngân của tỉnh thấp trong thời gian qua. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, số lượng văn bản của các cấp Trung ương về 3 Chương trình MTQG là quá nhiều, gây khó khăn, khó hiểu cho địa phương.
Về việc giải ngân thấp các Chương trình MTQG, tỉnh Nghệ An đã rất quyết liệt chỉ đạo, có sự tham gia của các đồng chí đứng đầu cấp ủy với quan điểm là tập trung chỉ đạo để thúc đẩy giải ngân trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhìn nhận từ nguyên nhân khách quan, việc giao vốn, phân bổ vốn rất chậm (tháng 5/2022) nên kéo theo việc giải ngân cũng gặp nhiều khó khăn.
Cần ban hành Nghị quyết cho phép các cơ quan thực thi công vụ
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí là tổ chức các đoàn đại biểu đi thị sát thực tế tại các địa phương, công trình để thúc đẩy giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công dẫn đến nhiều hạng mục của một số Chương trình MTQG; giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không thể thực hiện được, chậm tiến độ so với dự kiến.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách; ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thị trường bị thu hẹp nên sự tăng trưởng kinh tế ở trong nước không thể trông chờ vào việc xuất khẩu hàng hóa, mà phải đẩy mạnh nhu cầu ở trong nước. Do đó, một trong những việc làm thúc đẩy nhu cầu ở trong nước và thúc đẩy phát triển kinh tế là phải chú trọng giải ngân vốn đầu tư công.
Thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có một phần do tâm lý e ngại, sợ sai của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong phê duyệt cho việc chuẩn bị các dự án đầu tư công. Nhiều địa phương đang vướng mắc ở việc giải quyết các thủ tục giải ngân chứ không phải là do thiếu tiền.
Chính phủ đã có sự chỉ đạo kịp thời và mang tính hành chính trong việc thúc đẩy các hoạt động giải ngân vốn đầu tư công như cán bộ lãnh đạo không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ thì có thể bị xử lý, thuyên chuyển công tác hoặc buộc thôi việc. Tuy nhiên, nếu chỉ bằng các biện pháp hành chính như vậy thì không thể thúc đẩy được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bởi lẽ tâm lý lo sợ, e ngại trong việc thực thi các công vụ hiện nay khá tràn lan trong đội ngũ cán bộ công chức. Việc e ngại này không phải là vô cớ mà có căn cứ thực tế vì nhiều người đã từng bị xử lý khi thực thi công vụ.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, những vướng mắc trong hệ thống pháp luật vẫn còn khá phổ biến, nên các cơ quan lập pháp đang tích cực sửa đổi một số luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Tuy nhiên, nếu chỉ chờ cho đến khi sửa xong một số luật, nghị định thì có thể kéo theo nền kinh tế sẽ bị đình trệ.
Thực tế, trong Nghị quyết của Đảng đã có kết luận số 14 về bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo. Đó là cơ sở để chúng ta có cơ chế bảo vệ họ vượt qua nhưng rào cản, ràng buộc về pháp luật trong giải quyết, thực thi công vụ được giao nhằm mang lại lợi ích chung.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cơ chế này cần được thực hiện nghiêm túc và Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết cho phép các cơ quan thực thi công vụ được quyền hành động trong khuôn khổ có thể để thực hiện theo quyết định của mình nhằm mang lại kết quả tốt, phù hợp hơn cho lợi ích cộng đồng, vì lợi ích chung. Cơ chế này cần được thực hiện công khai, minh bạch từ trước khi hành động cho đến khi triển khai.
Khi đã công khai thì người dân có quyền giám sát những việc làm, hành động của cơ quan, cán bộ lãnh đạo đó như thế nào. Chính nhân dân sẽ nhận biết, theo dõi được các cơ quan, Bộ ngành, cán bộ lãnh đạo vượt qua những khuôn khổ luật pháp để thực thi công vụ có động cơ gì, liệu có vì lợi ích chung hay là vì động cơ cá nhân để có đề xuất kịp thời.
Như vậy, chúng ta có thể tránh được việc cán bộ lãnh đạo dựa vào những quy định của luật pháp nhằm trì hoãn giải quyết các thủ tục liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công cũng như trong những công việc hành chính khác cho người dân và xã hội. Mặt khác cũng mới khuyến khích được những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua những ràng buộc, rào cản để thực hiện công vụ vì lợi ích chung.