BVR&MT – Chiều 7/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” chủ trì Phiên họp thứ 3 của Đoàn.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, sau thời gian tiến hành giám sát tại 11 bộ, ngành Trung ương và 15 tỉnh, thành phố, tại Phiên họp thứ 3 này, Đoàn giám sát tập trung cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 tới. Trong đó, báo cáo khái quát kết quả đạt được của từng Chương trình và những vấn đề nổi lên, khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân; đề xuất giải pháp, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại phiên họp, Đoàn giám sát đã nghe 3 Đoàn công tác báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các báo cáo của 3 Đoàn công tác cho thấy, các địa phương đều rất quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch năm 2023, tuy nhiên, có một số khó khăn lớn. Đó là kết quả giải ngân giai đoạn 2021 – 2023 đạt rất thấp, áp lực giải ngân số vốn còn lại lớn. Nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình giảm mạnh, có địa phương không huy động được. Bên cạnh đó, sau 2 năm triển khai thực hiện, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, quản lý, triển khai ở trung ương và địa phương còn có khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Tuy nhiên, việc tháo gỡ, xử lý còn chậm, nhất là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định, hướng dẫn chi tiết thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với pháp luật chuyên ngành, chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện số 71/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Đáng chú ý, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện vì Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nguồn ngân sách trung ương được giao chi tiết theo từng dự án; trong khi đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới căn cứ vào tổng mức kinh phí được Thủ tướng Chính phủ giao, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo từng lĩnh vực chi, dự án, nội dung thành phần…
Đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của các Đoàn công tác và Tổ giúp việc Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, dự thảo Báo cáo tập trung đánh giá kết quả thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia và khái quát kết quả của 3 Chương trình trong công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phân tích rõ ưu điểm, khuyết điểm khi triển khai thực hiện 3 Chương trình, nhận thức của các cấp, ngành, người dân, đồng thời xác định nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, dự thảo Báo cáo cần bổ sung bài học kinh nghiệm trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các kiến nghị, giải pháp trong dự thảo Báo cáo cần sát, đúng, trúng với thực tiễn.