BVR&MT – Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện hàng chục điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép rồi xuất bán ra các tỉnh lân cận. Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng thiếu hụt nguyên liệu dẫn đến sản xuất gián đoạn; công nhân làm việc cầm chừng, thu nhập sụt giảm; nộp thuế cho nhà nước theo đó cũng giảm sâu.
Xuất hiện nhiều điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện như Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh đều xuất hiện các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép có trang bị cân xe tải.
Đặc điểm chung của những điểm thu mua này là nằm gần các vùng có diện tích rừng trồng lớn, trên các tuyến giao thông huyết mạch, thuận lợi; hầu như không có biển hiệu, hoặc nếu có thì thông tin cũng mù mờ; lối ra vào nhỏ nhưng diện tích bên trong rộng, có nhiều xe máy, công nhân phục vụ việc bốc xếp, vận chuyển gỗ và người lạ khó tiếp cận…
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh có nhiều điểm thu mua gỗ trái phép quy mô lớn, hoạt động rầm rộ, nhất là vào buổi trưa và chiều muộn, xe tải nặng, xe container ra vào liên tục.
Trên tuyến đường ĐT 585, đoạn qua đèo Cùa (huyện Cam Lộ), có 1 điểm thu mua gỗ trái phép quy mô rộng, xe tải nặng dán dòng chữ “Hào Hưng” trước cabin chở gỗ ra vào liên tục.
Tại thôn Phú Hưng, xã Hải Phú (huyện Hải Lăng) có trạm thu mua gỗ trái phép đặt biển tên “Hòa Thuận”. Rất nhiều chủ rừng ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị hằng ngày bán gỗ nguyên liệu cho điểm thu mua trái phép này, sau đó gỗ được vận chuyển đi các tỉnh khác. Điểm thu mua này hoạt động rầm rộ ngày lẫn đêm từ đầu năm 2023 đến thời điểm phóng viên tiếp cận vào gần cuối tháng 7/2023.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 điểm thu mua gỗ trái phép. Tùy theo quy mô, một ngày mỗi điểm thu mua từ khoảng 50 – 200 tấn gỗ nguyên liệu, sau đó được vận chuyển đi các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình…tiêu thụ. Không ít xe vận chuyển gỗ từ các điểm thu mua gỗ bất hợp pháp có dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn giao thông, gây mất an toàn giao thông, hư hỏng cầu, đường.
Theo quy định, muốn đặt điểm thu mua gỗ có trang bị cân xe tải thì cơ bản phải đảm bảo các tiêu chí về đăng ký ngành nghề kinh doanh, kê khai thuế, công tác phòng cháy, chữa cháy, kiểm định chất lượng cân, được cấp phép đấu nối quốc lộ… Việc bỏ qua các quy định của các điểm thu mua gỗ trái phép đã gây ra nhiều hệ lụy.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong quá trình tiếp cận các điểm thu mua gỗ trái phép để thu thập thông tin, phóng viên Báo Quảng Trị gặp nhiều khó khăn do sự không thân thiện, cản trở của một số đối tượng.
Doanh nghiệp khó khăn, nhà nước thất thu thuế
Điểm thu mua gỗ trái phép, không nộp thuế đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán, thậm chí có nơi có dấu hiệu bảo kê, gây áp lực khiến doanh nghiệp làm ăn hợp pháp khó thu mua gỗ rừng trồng, sản xuất đình trệ.
Những ngày cuối tháng 7/2023, tại Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị ở xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) lác đác vài công nhân làm việc, nhiều loại máy móc nằm im lìm. Nguyên nhân của tình trạng này là do từ đầu năm 2023 đến nay, công ty chỉ thu mua được khoảng 20.000 tấn gỗ nguyên liệu khiến sản xuất cầm chừng, gián đoạn.
“Những năm trước, lượng gỗ nguyên liệu thu mua mỗi năm khoảng 120.000 tấn, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 30 lao động cố định với mức thu nhập từ 8 – 12 triệu đồng/người/ tháng và hàng trăm lao động thời vụ, trung bình mỗi năm doanh nghiệp nộp thuế gần 9 tỉ đồng. Nay lâm vào tình cảnh như thế này thì không chỉ thu nhập của người lao động sụt giảm, nhiều lao động thời vụ mất việc làm mà nộp thuế cho nhà nước cũng giảm theo.
6 tháng đầu năm 2023, công ty chỉ nộp thuế được khoảng 2 tỉ đồng. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp sớm vào cuộc xử lý các điểm thu mua gỗ trái phép để đảm bảo minh bạch, công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Trị cho biết.
Ở huyện Hải Lăng, nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ cũng rơi vào tình cảnh khó khăn, sản xuất gián đoạn. Như tại Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quảng Trị, Công ty TNHH Chế biến lâm sản SHAIYO AA Quảng Trị, ở Cụm công nghiệp Hải Thượng, thời điểm phóng viên có mặt hầu như không có công nhân làm việc, máy móc ngừng chạy…
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 35 dự án nhà máy, cơ sở chế biến dăm gỗ. Trong đó, có 3 dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 32 dự án của nhà đầu tư trong nước, tập trung nhiều ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Nhìn chung, các dự án sản xuất dăm gỗ đã được đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị với quy mô khá lớn, trung bình hơn 10 tỉ đồng/dự án.
“Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ thu mua khoảng 2 triệu tấn gỗ, sau đó chế biến, xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, ổn định kinh tế rừng trồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỉ đồng…
Tuy vậy, việc xuất hiện nhiều điểm thu mua gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh không chỉ đẩy các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp vào khó khăn, mức nộp thuế giảm mà theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng nhà nước thất thu khoảng 30 tỉ đồng tiền thuế từ các điểm thu mua gỗ bất hợp pháp này”, ông Võ Thái Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội kinh doanh, xuất nhập khẩu gỗ Quảng Trị cho hay.
Khẩn trương xử lý
Trước tình hình trên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát, đảm bảo hoạt động của các điểm thu mua gỗ trên địa bàn đi vào nền nếp, đúng pháp luật, tránh thất thu thuế, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng.
Gần đây nhất, ngày 14/7/2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ký văn bản số 3485/UBND – KT chỉ đạo Công an tỉnh, các Sở Giao thông vận tải, Công thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu rà soát, xử lý các điểm thu mua gỗ rừng trồng trái phép.
“Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát các điểm thu mua gỗ trái phép trên địa bàn để xử lý, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Quan điểm của huyện là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn trên cơ sở chấp hành đúng các quy định của pháp luật”, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cam Lộ Hoàng Tân Cương thông tin.
Theo thông tin mà phóng viên có được, hiện Sở Công thương đã có báo cáo UBND tỉnh về việc rà soát tình hình các điểm thu mua gỗ có cân xe tải bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương vào cuộc xử lý các vi phạm.
Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Thượng tá Hoàng Văn Trung cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cảnh sát giao thông các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, không có ngoại lệ các trường hợp xe chở gỗ vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đối với các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải”.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: “Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Do vậy, các ngành, các địa phương phải khẩn trương rà soát, kiên quyết xử lý, buộc dừng ngay hoạt động các cơ sở thu mua gỗ rừng trồng bất hợp pháp để đảm bảo thị trường thu mua gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến gỗ và các chủ rừng cần kết nối, liên kết chặt chẽ hơn nữa trong tất cả các khâu để lĩnh vực này ngày càng phát triển theo định hướng, quy hoạch, mang lại lợi ích hài hòa cho các bên, đóng góp ngày càng tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”.