Lời giải giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Công nghệ cần đi trước một bước

BVR&MT – Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có xu hướng gia tăng; trong đó bão và áp thấp nhiệt đới có những diễn biến rất bất thường.

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động xấu đến mọi lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – ông Hoàng Đức Cường cho hay biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến khó lường, tác động tiêu cực, thậm chí còn diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo. Thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Việt Nam cũng đang ở mức cao.

Do vậy, đầu tư cho khí tượng thủy văn cần đi trước một bước và được tiến hành đồng bộ, hiện đại để đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo chính xác.

Thời tiết cực đoan gia tăng

Theo báo cáo về việc thực hiện “Nghị quyết số 24-NQ/TW khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…” vừa được Tổng cục Khí tượng Thủy văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đã và đang có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, các khu vực, vùng miền.

Thực tế trong những năm gần đây cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, bão và áp thấp nhiệt đới có những diễn biến rất bất thường.

Thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra cũng đang ở mức cao. Số liệu thống kê cho thấy từ năm 2009-2019, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đối với Việt Nam đã lên tới gần 250.000 tỷ đồng, thiệt hại về người lên tới hơn 2.500 người.

Tính riêng năm 2018, với hơn 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét, 14 trận lũ quét, sạt lở đất, 30 đợt mưa lớn trên diện rộng và lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, thiên tai đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nước ta – ước tính lên đến 20.000 tỷ đồng, 218 người chết và mất tích.

“Đây là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra đối với công tác khí tượng thủy văn trong thời gian tới,” ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh.

Hình ảnh sạt lở đất xảy ra tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Bên cạnh đó, hiện nay, vấn đề khai thác, quản lý nguồn nước sông Mekong và khoảng trống số liệu khí tượng thủy văn Biển Đông, đặc biệt ở khu vực vùng biển và ven biển Tây Nam của đất nước cũng đang đặt ra những thách thức ngày càng trở nên cấp thiết, cần có những giải pháp, chiến lược ứng phó ở quy mô cấp quốc gia.

Chỉ ra tồn tại, khó khăn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh ở cấp trung ương, công tác quản lý hoạt động khí tượng thủy văn chuyên dùng còn phân tán ở một số bộ quản lý theo ngành, lĩnh vực, như: Khí tượng hàng không, nông nghiệp, hàng hải, đường thủy nội địa, quốc phòng, phòng, chống thiên tai.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cũng chưa đầy đủ so với yêu cầu quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn.

Đáng chú ý, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn vẫn còn thưa. Dự báo định lượng mưa, mưa do bão còn hạn chế cả về độ chính xác và thời gian dự báo, đặc biệt là dự báo chi tiết lượng mưa theo giờ, mưa cực đoan cục bộ thời đoạn ngắn.

Trong khi đó, ở cấp địa phương, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, vi phạm hành lang kỹ thuật công trình khí tượng thủy văn quốc gia chưa được giải quyết triệt để do vướng về cơ chế pháp lý và thực tiễn lịch sử.

“Việc khai thác, sử dụng và công tác thẩm định, thẩm tra việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với các dự án, công trình trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức ở nhiều địa phương,” ông Cường nói.

Khí tượng thủy văn đạt trình độ các nước phát triển vào năm 2045

Trước thực trạng trên, ông Hoàng Đức Cường cho biết cơ quan này đã đề xuất quan điểm đầu tư cho khí tượng thủy văn cần “đi trước một bước” và được tiến hành đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó cần kết hợp tăng chi từ ngân sách Nhà nước với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho công tác khí tượng thủy văn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Hoài Nam/Vietnam+)

Về phần mình, ngành khí tượng thủy văn sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phòng chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khí tượng thủy văn phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội…

Trong thời gian tới, ngành khí tượng thủy văn cũng sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, nâng cao năng lực công nghệ dự báo đồng thời tiến hành chuyển đổi số công tác khí tượng thủy văn trên cơ sở đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu.

Theo đó, ngành khí tượng thủy văn sẽ chủ động, tích cực hợp tác quốc tế, khai thác tối đa và ứng dụng có chọn lọc những kết quả ưu việt về khí tượng thủy văn trên thế giới góp phần thúc đẩy, phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đạt trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực châu Á; đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, tin cậy, kịp thời đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia…

“Đến năm 2045, phát triển ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam có trình độ, năng lực tương đương các nước phát triển trên thế giới,” ông Cường nói.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng nhấn mạnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành khí tượng thủy văn cũng sẽ luôn tận tâm, tận lực quan trắc chính xác từng biến động của thời tiết, thủy văn, hải văn để đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, đủ độ tin cậy, nhằm giảm thiểu những thiệt hại của nhân dân../.

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam là rất lớn.

Ước tính, Việt Nam sẽ cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040 để ứng phó với biến đổi khí hậu (xấp xỉ 6,8% GDP hằng năm), trong khi vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến cho vấn đề này chỉ đáp ứng được khoảng 130 tỷ USD.

NGUỒNvietnamplus.vn
Tags:
CHIA SẺ