BVR&MT – Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có 28 vị trí đặt trạm trộn bê-tông, trong đó nhiều trạm không đủ căn cứ pháp lý, xây dựng trên đất không được phép…
Trong số 28 vị trí đặt trạm trộn bê-tông, có tám trạm trộn nằm trong các dự án khai thác đá, nhà máy sản xuất bê-tông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép khai thác như: Công ty cổ phần Bê-tông Hà Thanh, Công ty cổ phần Bê-tông Bảo Quân, Hợp tác xã Vật liệu xây dựng Tuổi Trẻ, Công ty Xây dựng Vĩnh Lạc…
Có 10 trạm trộn bê-tông tự phát của các đơn vị và cá nhân không có bất cứ căn cứ pháp lý nào. |
10 vị trí trạm trộn tạm có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, văn bản đồng ý chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư, cấp phép sản xuất khác, như: Công ty cổ phần Sông Hồng Hoàng Gia, Công ty TNHH Long Đạt Phát, Bê-tông Phúc Hưng, Công ty cổ phần Bê-tông Sông Hồng Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Minh Quang …
Đáng lưu ý, có 10 trạm trộn bê-tông tự phát của các đơn vị và cá nhân không có bất cứ căn cứ pháp lý nào, gồm: Công ty TNHH Tuổi trẻ Bình Nguyên, Công ty TNHH Thương mại Tỉnh Tuấn, Công ty Bê-tông Bảo Long Vĩnh Phúc (đã di dời), Nguyễn Văn Hợi (đã dừng hoạt động), Xí nghiệp Cát sỏi, Công ty cổ phần Kehin, Công ty cổ phần Kỹ nghệ bê-tông Việt Nhật, trạm trộn bê-tông của các ông: Phạm Văn Vinh, Nguyễn Duy Mạnh, Nguyễn Văn Thắng, Khổng Thế Lực.
Đối với các trạm trộn bê-tông tự phát, chính quyền các huyện, thành phố và cấp xã đã kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng; Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản yêu cầu phải di dời. Tuy nhiên, các chủ trạm trộn bê-tông chưa chấp hành, chưa tháo dỡ công trình.
Điển hình là trạm trộn bê-tông của Công ty cổ phần Kỹ nghệ Bê-tông Việt Nhật đặt tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương, sử dụng diện tích đất lớn, đầu tư nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị, không có bất kỳ giấy tờ pháp lý nào cho phép hoạt động, song vẫn tồn tại từ năm 2019 đến nay.
Một trường hợp ngang nhiên tồn tại, bất chấp quy định là trạm trộn bê-tông Công ty cổ phần Bê-tông Vĩnh Phúc, tại xã Thanh Vân, huyện Tam Dương.
Trao đổi về trường hợp này, ông Bùi Quốc Việt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Vân cho biết: Năm 2020 và 2021, Ủy ban nhân dân huyện Tam Dương cùng Ủy ban nhân dân xã Thanh Vân tiến hành lập biên bản yêu cầu công ty dừng các hoạt động xây dựng, lắp đặt các trạm trộn, song công ty không chấp hành.
Ngày 11/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Tam Dương xử lý nghiêm các sai phạm của Công ty cổ phần Bê-tông Vĩnh Phúc, Công ty cổ phần Kỹ nghệ Bê-tông Việt Nhật và Công ty cổ phần Gạch nhẹ Vĩnh Phúc.
Liên quan đến các trạm trộn bê-tông có sai phạm, Sở Xây dựng tỉnh đã có nhiều văn bản tham mưu, đề xuất các phương án xử lý. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các huyện ra nhiều văn bản chỉ đạo, song chủ đầu tư các trạm trộn bê-tông vẫn không chấp hành.
Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp và địa phương gửi văn bản, kiến nghị đến Sở Xây dựng tỉnh đề nghị hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục cấp giấy phép xây dựng trạm trộn bê-tông. Một số khác đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vị trí đất để xây dựng trạm.
Liên quan đến các trạm trộn bê-tông có sai phạm, Sở Xây dựng tỉnh đã có nhiều văn bản tham mưu, đề xuất các phương án xử lý. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các huyện ra nhiều văn bản chỉ đạo, song chủ đầu tư các trạm trộn bê-tông vẫn không chấp hành. |
Đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản giao Ban quản lý các Khu công nghiệp, Sở Công thương tham mưu đề xuất bổ sung tính chất ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp làm cơ sở thu hút đầu tư, triển khai các dự án trạm trộn bê-tông.
Hiện nay, Công ty cổ phần Kehin đang bổ sung trạm trộn bê-tông vào dự án thi công đường trục bắc-nam. Một đơn vị thực hiện di dời sang địa điểm tỉnh giới thiệu là Công ty cổ phần Bê-tông Phúc Thành, được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương, hiện đã lắp dựng xong, đang chạy thử tại thôn Gò Dẫu, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên.
Ngày 31/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản nêu phương án bố trí trạm trộn bê-tông ngoài phạm vi các mỏ đá, nhà máy sản xuất cấu kiện bê-tông, giao Ủy ban nhân dân thành phố Phúc Yên, Ủy ban nhân dân các huyện đề xuất bố trí một cụm công nghiệp dành cho sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó có bê-tông thương phẩm.
Đối với việc bố trí trạm trộn bê-tông tạm thời trong các dự án được chấp thuận (như là công trình tạm phục vụ công trình chính), tỉnh giao Sở Xây dựng rà soát xem xét, báo cáo trên cơ sở đề xuất cụ thể của chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công.
Về phía các doanh nghiệp trong diện vi phạm, phải di dời, chủ doanh nghiệp cho rằng chi phí thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp quá cao, doanh nghiệp không đáp ứng được; vị trí đặt trạm trộn bê-tông được địa phương đề xuất nằm quá xa so với nơi tiêu thụ. Giám đốc Công ty cổ phần Bê-tông Vĩnh Phúc, Dương Quang Cẩn cho biết: Công ty đã xin tỉnh gia hạn thêm 18 tháng để giới thiệu vị trí mới song đến nay vẫn chưa được giới thiệu địa điểm nào.