BVR&MT – Tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý 2/2023, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi sâu để hạn chế tình trạng tăng giá theo lương.
Bắt đầu từ ngày 1/7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Bên cạnh niềm vui tăng lương sau bốn năm chờ đợi, người dân lại canh cánh nỗi lo giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm lại được dịp “té nước theo mưa”. TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình bình ổn, giảm giá, khuyến mãi sâu để hạn chế tình trạng này.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay một số tiểu thương tăng giá hàng hóa do giá cả các mặt hàng ở chợ phụ thuộc đầu vào và lượng khách hàng vào từng thời điểm. Do đó, việc tăng giá hiện nay không hoàn toàn “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, để kìm giá cả hàng hóa, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Thành phố đã triển khai hàng loạt hoạt động bình ổn giá để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ðiều này góp phần ngăn chặn “làn sóng” tăng giá khi lương tăng và làm vơi bớt phần nào nỗi lo cho người dân.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh hiện đang thực hiện chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 và được tổ chức trong ba tháng, kéo dài đến hết ngày 15/9/2023. Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp, hơn 7.000 hoạt động khuyến mãi. Theo đó, có rất nhiều chương trình giảm giá dành cho nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sản phẩm lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, từ ngày 1/7 đến 31/12/2023, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, từ mức 10% xuống còn 8% của Chính phủ chính thức được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ðiều chỉnh này góp phần giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, giảm giá bán và giảm chi phí người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hàng ngày.
Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá do nguy cơ lạm phát bùng phát. Ðể ngăn ngừa tình trạng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng Thành phố cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào để cân đối cung – cầu thị trường, ngăn chặn tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; kiểm soát việc kê khai, niêm yết giá công khai tại các điểm bán lẻ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả hàng hóa, dịch vụ.