Hiệu quả quản lý cây trồng tổng hợp trên cây chè

BVR&MT – Một trong những giải pháp đang được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mạnh ở nhiều địa phương là biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM). Đây là quy trình sản xuất kết hợp hài hòa giữa các biện pháp quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại và quản lý kinh tế với mục tiêu đem lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao, bền vững, tránh sự lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, ít ảnh hưởng tới môi trường nhất. Với mục tiêu giảm thiểu mối nguy hại từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học, phân bón vô cơ, tăng hiệu quả sản xuất chè, từ đầu năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai mô hình ICM trên cây chè gắn với dịch vụ BVTV tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng.

Tham quan thực tế, đánh giá mô hình trồng chè áp dụng ICM tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng năm 2022.

Mô hình áp dụng kỹ thuật ICM trên cây chè của bốn hộ thuộc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông nghiệp xã Tây Cốc với quy mô 5ha. Trong mô hình, các hộ được hỗ trợ bón phân hữu cơ vi sinh với lượng 2,5 tấn/ha, phân sinh học Azotobacterin với lượng 700kg/ha, phân NPK bón giảm 40% so với trước và được bón sau các lứa hái thay vì bón theo đợt 2-3 lần/năm như trước kia. Công tác phòng trừ sâu bệnh được thực hiện theo hình thức dịch vụ BVTV, hàng kỳ cán bộ của Chi cục phối hợp hướng dẫn HTX, các hộ kiểm tra phát hiện sâu bệnh gây hại và biện pháp phòng trừ. Sau khi tổng kết mô hình cho thấy cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít hơn, mật độ búp trong mô hình cao hơn so với canh tác tập quán. Sản lượng chè thu được trong mô hình cao hơn so với tập quán là 7.400kg/5ha/5 lứa hái. Sau khi trừ chi phí còn thu lãi trong mô hình đạt gần chín triệu đồng/ha so với canh tác tập quán chỉ đạt trên ba triệu đồng/ha.

Ông Lê Văn Thủy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Cốc cho biết: “Việc áp dụng ICM trên cây chè mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp nguồn thu của người dân tăng lên. Đặc biệt, việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học góp phần không nhỏ trong bảo vệ, khôi phục môi trường tự nhiên. Tới đây, chúng tôi sẽ khuyến khích các hộ mở rộng diện tích chè áp dụng ICM, đồng thời khuyến khích bà con áp dụng sang các loại cây trồng khác như bưởi, lúa, ngô…”.

Theo ông Phan Văn Đạo – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, để thực hiện đảm bảo các mục tiêu trong quản lý cây trồng tổng hợp, Chi cục sẽ chỉ đạo cho các trạm tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý nông nghiệp, người sản xuất; xây dựng các mô hình ICM gắn với thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và dịch vụ BVTV, nhân rộng từ các mô hình ICM có hiệu quả trong sản xuất đại trà; phát triển các tổ dịch vụ BVTV, đáp ứng nhu cầu sản xuất; tiếp tục lồng ghép các nguồn kinh phí từ Trung ương, địa phương, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, thực hiện tốt chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Với hiệu quả từ mô hình đem lại, thời gian tới Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tiếp tục phối hợp với các xã trong vùng trồng chè của huyện Đoan Hùng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng ICM trên cây trồng nói chung, cây chè nói riêng để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu chè trên thị trường trong nước và quốc tế.

NGUỒNbaophutho.vn
Tags:
CHIA SẺ