BVR&MT – Tam Đảo được xác định là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều tiềm năng, thế mạnh về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh để có thể trở thành điểm đến lý tưởng về nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch tâm linh. Tuy nhiên, để khai mở tiềm năng thế mạnh này, đưa du lịch Tam Đảo “cất cánh” vươn xa, rất cần các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở.
Trong những năm qua, huyện Tam Đảo nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết, quyết định tạo cơ chế chính sách và định hướng cho phát triển du lịch, dịch vụ như: Nghị quyết số 01/NQ-TU năm 2011 của Tỉnh ủy về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,… trong đó tập trung, định hướng phát triển du lịch huyện Tam Đảo trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh và Quốc gia; Quyết định số 1508/QĐ-UBND, ngày 09/06/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Trong thời gian qua tỉnh đã đầu tư nguồn lực lớn cho quy hoạch, xây dựng khu du lịch Tam Đảo, trùng tu, tôn tạo khu di tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên và một số di tích khác.
Huyện Tam Đảo đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1508/QĐ-UBND, ngày 09/06/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện đã tham mưu cho Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 30/11/2021 về phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 266/KH-UBND, ngày 24/12/2021 của UBND huyện triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định 1508/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Nghị quyết số 03-NQ/HU của BCH Đảng bộ huyện về “Phát triển Du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo bước đột phá về phát triển du lịch của huyện trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, lấy du lịch trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện; tăng cường liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn phát triển du lịch với phát huy giá trị di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng du lịch Tam Đảo có thương hiệu là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn của du khách.
Công tác đầu tư phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn huyện được tỉnh, huyện quan tâm, tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; nhất là ở các Khu du lịch trọng điểm: Khu du lịch Tam Đảo, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên được đầu tư, nâng cấp phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách. Để thúc đẩy, kết nối phát triển du lịch, dịch vụ huyện Tam Đảo, Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện để thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch Tam Đảo với tổng mức đầu tư các dự án trên 1.500 tỷ đồng (Dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH.62 đoạn nối từ ĐT.302 cầu Bồ Lý – Yên Dương đến đường Tây Thiên – Tam Sơn với tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng; Dự án đường giao thông phía Bắc và phía nam – Khu công viên cây xanh Tây Thiên, thị trấn Đại Đình với tổng số vốn đầu tư 50 tỷ đồng; Hỗ trợ các công trình phục vụ du lịch, dịch vụ tại Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo với 720 tỷ đồng).
Hiện nay, hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm cơ bản được hoàn thiện, các tuyến đường thường xuyên được bảo trì bằng nguồn phân bổ từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện; các tuyến đường nối từ trục thôn, xóm đến các điểm du lịch được mở rộng và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các tour, tuyến, phát triển du lịch; hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông vào mùa lễ hội, du lịch, góp phần thúc đẩy các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh,… tiếp tục phát triển.
Công tác Đầu tư phát triển cơ sở lưu trú du lịch được các doanh nghiệp và hộ kinh doanh quan tâm, đến nay toàn huyện có 229 cơ sở lưu trú, trong đó có 78 khách sạn; 86 nhà nghỉ; 61 cơ sở Homestay và Villa, các cơ sở lưu trú đều đảm bảo tiêu chuẩn đón khách du lịch.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch Tam Đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng đến với thị trường du lịch trong nước và quốc tế được tăng cường đã và đang nhận được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Sau dịch bệnh Covid, tỷ lệ khách du lịch đến với Tam Đảo tăng, 4 tháng đầu năm đạt khoảng trên 900.000 lượt người, dự kiến năm 2023 đạt gần 2 triệu lượt khách.
Hệ thống di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện được quản lý chặt chẽ, đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Chính quyền các xã, thị trấn đã thực hiện tốt công tác quản lý di tích, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, không để xảy ra mất cắp di vật, cổ vật, cháy nổ tại di tích; đảm bảo công tác vệ sinh cảnh quan môi trường; thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội.
Công tác xã hội hóa trong xây dựng, trùng tu, tôn tạo các thiết chế văn hóa đặc biệt là các di tích lịch sử ở một số địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã công đức xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Quá trình xây dựng và phát triển hình ảnh du lịch Tam Đảo thời gian qua đã được nhà nước, các cấp bộ, ngành ghi nhận: Quần thể di tích “Khu di tích danh thắng Tây Thiên” được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2015; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020; Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch Quốc gia năm 2022 và được bầu chọn “Thị trấn Tam Đảo – Điểm đến du lịch hàng đầu thế giới”. Đây chính là những ưu điểm thuận lợi cho phát triển du lịch của Tam Đảo trong thời gian tới.
Có thể thấy, các di tích lịch sử, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong thu hút khách du lịch đến với Tam Đảo; tuy nhiên, việc khai thác những di sản này trong hoạt động du lịch ở một số nơi vẫn còn hạn chế, bất cập. Nhiều địa phương tổ chức tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử, văn hóa chưa được kịp thời theo đúng quy định. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch tại một số di sản văn hóa còn ít, hạn chế, phát triển tự phát, đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Để các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thu hút du khách đến với Tam Đảo cần có chủ trương, chính sách phù hợp để tôn tạo, bảo tồn; đồng thời, có chiến lược khai thác, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, giúp du khách cảm nhận được các giá trị văn hóa của địa phương.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của huyện, Tam Đảo cũng xác định phát triển du lịch bền vững gắn với công tác bảo tồn, tôn tạo giá trị các di tích. Chính vì vậy trong nhiều năm qua, Tam Đảo đã triển khai nhiều biện pháp linh hoạt nhằm tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo các di tích một cách hiệu quả; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản…
Việc khai thác, phát huy giá trị của các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch ngày càng được các cấp, các ngành coi trọng. Thời gian tới, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đạt được hiệu quả cao, việc bảo tồn phải tuân thủ triệt để các quy định của quốc tế và trong nước, tránh tác động nhiều vào di tích và cố gắng duy trì, bảo tồn nguyên trạng di tích. Đồng thời khai thác có hiệu quả giá trị các di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch; song, cũng cần có giải pháp phù hợp để du lịch có đóng góp quay lại cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích văn hóa, lịch sử.
Ban biên tập