BVR&MT – Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2023, tỉnh Bình Thuận phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, nâng cao chất lượng các sản phẩm tiềm năng; đồng thời hỗ trợ ít nhất 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu, Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn về Chương trình OCOP trên phạm vi toàn tỉnh cho các chủ thể tham gia OCOP; tổ chức khảo sát, đánh giá và tư vấn để các chủ thể nâng cấp sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP để đạt từ 3 đến 5 sao cấp tỉnh…
Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân và đội ngũ cán bộ quản lý hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; hiểu rõ bản chất của chương trình và nắm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện chương trình, từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Song song với việc tạo điều kiện để các sản phẩm đạt chứng nhận, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá giúp sản phẩm OCOP tiêu thụ tốt thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để nông dân, hợp tác xã ký gửi sản phẩm…
Đặc biệt, vào tháng 9 tới, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm Công thương – Sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận năm 2023. Theo đó, Hội chợ triển lãm có quy mô dự kiến từ 250 – 300 gian hàng bao gồm các khu vực như giới thiệu thành tựu kinh tế – xã hội của tỉnh; khu sản phẩm chủ lực, OCOP, nông thôn tiêu biểu; sản phẩm đặc trưng, OCOP, tiêu biểu các tỉnh, thành bạn… Ngoài ra, đề xuất thêm khu đặc sản địa phương, quà tặng và sản phẩm du lịch. Đây là cơ hội để sản phẩm OCOP đến gần hơn với tiêu dùng; đồng thời giúp các chủ thể tăng cường giao lưu, kết nối giao thương; mở rộng sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dù triển khai muộn hơn so với các địa phương khác trong cả nước, song sau 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Bình Thuận đã đạt được những dấu ấn tích cực; trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận có 70 sản phẩm của các chủ thể là các hộ gia đình, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 2 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao.
Nhiều sản phẩm mang đậm đặc trưng của Bình Thuận như nước mắm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cá Đen; nước ép thanh long Bảo Long; rượu vang thanh long của Hợp tác xã thanh long Hàm Đức; thanh long sạch của Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ…
Bình Thuận được đánh giá là vùng có nhiều sản phẩm đặc sắc gắn với nền nông nghiệp phong phú đa dạng từ miền núi đến vùng biển, hải đảo. Tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương, triển khai các mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng đến kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ như là một mục tiêu chung. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ cho chủ thể thực hiện các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, bao gồm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, HACCP, ISO, thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, câu chuyện sản phẩm…
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh phấn đấu công nhận mới ít nhất từ 80 – 130 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có từ 3 – 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia.