BVR&MT – Một báo cáo đánh giá những nỗ lực hợp tác của khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ trong việc ngăn chặn nạn phá rừng ở hai quốc gia sở hữu các khu rừng nhiệt đới quan trọng là Brazil và Indonesia đã được hai tổ chức Environmental Defense Fund (EDF) và Forest Trends (FT) công bố cuối tháng trước.
Báo cáo bao gồm các nghiên cứu điển hình về cách thức các công ty đang hoạt động tại Brazil và Indonesia hợp tác với chính phủ hai quốc gia (chiếm gần 40% tổng diện tích rừng nhiệt đới bị phá trong năm 2014) để hạn chế nạn phá rừng, từ đó rút ra các bài học cho các quốc gia khác trên thế giới.
Theo thông tin do Sáng kiến Thay đổi chuỗi cung ứng (Supply Change Initiative) của Forest Trends, tính tới thời điểm tháng 3 năm 2017, 447 công ty đã thực hiện 760 cam kết loại bỏ nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng của họ liên quan tới bốn mặt hàng nông nghiệp tác động đến phần lớn diện tích rừng bị mất ở các vùng nhiệt đới bao gồm: gia súc, dầu cọ, đậu nành và các sản phẩm gỗ (kể cả gỗ và bột giấy).
Cũng trong thời gian này, 80% trong số gần 200 quốc gia ký kết Hiệp định Khí hậu Paris (hồi tháng 12 năm 2015) đã cam kết tuân thủ các biện pháp hạn chế phát thải do mất rừng và hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng khác nhằm giúp đạt được các mục tiêu Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDCs).
Mặc dù những cam kết này được coi là các tín hiệu tốt cho thấy thế giới đang nỗ lực thực hiện để ngăn chặn nạn phá rừng nhiệt đới đang lan rộng cùng những nguy cơ khí hậu mà nó gây ra, nhưng việc phá rừng nhiệt đới phụ vụ sản xuất nông nghiệp hoặc các hoạt động khác của con người vẫn phải chịu trách nhiệm cho ít nhất 10% khí thải carbon toàn cầu.
Do vậy, nhóm tác giả báo cáo cho rằng sự hợp tác sâu rộng hơn giữa các tập đoàn, chính phủ và các bên liên quan khác là rất quan trọng để thực sự đáp ứng các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu,
Bà Breanna Lujan, chuyên gia phân tích chính sách về khí hậu toàn cầu của EDF, tác giả báo cáo giải thích lý do tại sao các nhà đầu tư tư nhân và các nhà chức trách phải tìm cách hợp tác để ngăn chặn nạn phá rừng rằng: “Các công ty cần một môi trường chính sách pháp luật phù hợp để có thể thực hiện các cam kết giảm phá rừng, trong khi các chính phủ có thể đáp ứng điều này; và các chính phủ sẽ được hưởng lợi rất lớn từ sự tham gia của các bên liên quan để đạt được mục tiêu phục hồi cảnh quan rừng theo cam kết NDC của họ”.
Hai trường hợp điển hình Brazil và Indonesia
Bà Lujan và các đồng nghiệp đánh giá sức mạnh tổng hợp giữa NDCs của Brazil, Indonesia và các cam kết bền vững của các công ty hoạt động tại hai quốc gia này, từ đó đưa ra các khuyến nghị để các nước khác có thể học hỏi từ hai quốc gia này.
Tại Brazil, một số công ty áp dụng Cam kết không phá rừng (Zero Deforestation Commitments) cũng đang hợp tác với chính phủ và các tổ chức phi chính phủ thực hiện sáng kiến khác như Chương trình Sản xuất, Bảo tồn, Bao gồm (PCI) của bang Mato Grosso nhằm hạn chế phá rừng, thúc đẩy các nỗ lực tái trồng rừng, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bền vững hơn.
Các mục tiêu này trùng hợp với những mục tiêu NDCs của Brazil với mức cam kết giảm phát thải khoảng 37% vào năm 2025 và 43% vào năm 2030. Các cải cách về sử dụng đất và lâm nghiệp của chính phủ Brazil cũng nhằm đạt được các mục tiêu cam kết NDCs của Brazil với các kế hoạch chấm dứt hoạt động khai thác gỗ trái phép ở Amazon vào năm 2030 và khôi phục 12 triệu ha rừng nhiệt đới vào năm 2030.
Trong khi đó, Indonesia đã thông qua mục tiêu giảm phát thải 29% vào năm 2030 và mục tiêu này sẽ tăng lên 41% nếu nước này nhận được đầy đủ các trợ tài chính quốc tế thông qua các chương trình như Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng của Liên hợp quốc (REDD+). Quốc gia này cũng đã ban hành một số chính sách ưu tiên bảo tồn và phục hồi rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.
Bà Lujan cho hay các mục tiêu về khí hậu và bảo vệ rừng của Indonesia khá trùng khớp với các cam kết Không phá rừng, Không than bùn, Không khai khẩn (No Deforestation, No Peat, No Exploitation – NDPE) của nhiều công ty trong nước: “Nhiều công ty đang hợp tác với các chính quyền địa phương để thực hiện các sáng kiến pháp lý, các sáng kiến đa phương nhằm đạt được mục tiêu chung là giảm nạn phá rừng”.
Bà Lujan cũng gọi Cam kết của Kalimantan về Dầu cọ bền vững (Central Kalimantan Jurisdictional Commitment to Sustainable Palm Oil) là một trong những hợp tác công tư tiên tiến nhất nhằm giải quyết nạn phá rừng và hạn chế phát thải ở Indonesia. Sáng kiến này thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhóm dân tộc bản địa, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, những người trồng cũng như thu mua cọ dầu và các nông hộ nhỏ xung quanh để nhận được chứng nhận bền vững cho tất cả dầu cọ được sản xuất tại tỉnh Kalimantan vào năm 2019.
Tất nhiên, các sáng kiến cấp quốc gia và cấp địa phương ở hai quốc gia này không phải là những ví dụ duy nhất trên thế giới. Các tác giả của báo cáo cũng dẫn ra một số hợp tác điển hình nhằm giảm thiểu nạn phá rừng và ô nhiễm môi trường như Tuyên bố của New York về Rừng (New York Declaration on Forests ) và Chiến lược Rừng Nhiệt đới năm 2020 (Tropical Forest Alliance 2020) của Liên hiệp quốc.
Các bài học từ Brazil và Indonesia cho thấy các cam kết không phá rừng của doanh nghiệp khi được hậu thuẫn bởi các chính sách mạnh mẽ của chính phủ và ủng hộ bởi các đối tác đa bên sẽ giúp các nước đạt được mục tiêu giảm nạn phá rừng và tăng cường phục hồi cảnh quan rừng.
Bích Ngọc (Theo Mongabay)