BVR&MT – Quảng Ninh có hơn 340.000ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 124.000ha, còn lại là rừng trồng; độ che phủ rừng là 55%. Những năm qua tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn.
Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là phát triển lâm nghiệp phải đồng bộ từ trồng rừng, cải tạo rừng, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, bền vững tài nguyên rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái. Trên cơ sở này, tỉnh huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng; gắn phát triển lâm nghiệp bền vững với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng.
Toàn tỉnh đã thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất; đồng thời, rà soát công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của các hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Tính đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã giao đất, giao rừng được 275.302,19ha (trong đó hộ gia đình, cá nhân là 159.509,18ha, cộng đồng dân cư là 4.526,74ha); cho thuê đất, thuê rừng được 53.079,31ha. Cùng với đó, tỉnh tích cực sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp; đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng phương án sắp xếp 8 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để tăng diện tích trồng rừng, giai đoạn 2017-2022, Quảng Ninh đã huy động được 444,98 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác… Từ năm 2022 đến hết tháng 5/2023, toàn tỉnh đã trồng được 22.730ha rừng tập trung, trồng hơn 883.000 cây phân tán. Tổng sản lượng gỗ khai thác năm 2022 đạt 783.273m3, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 428.330m3; năng suất rừng trồng toàn tỉnh đạt trên 17,8 m3/ha/năm.
Đặc biệt, chất lượng rừng trồng trên địa bàn được nâng nên đáng kể thông qua việc trồng được 7.587,7ha cây bản địa thay thế cây keo. Trong 2 năm 2021-2022, toàn tỉnh đã thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đã có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách trồng 1.718,73ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa; cho vay ưu đãi trồng rừng gỗ lớn thông qua Ngân hàng CSXH tỉnh với kinh phí 8,48 tỷ đồng.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, 2023 chỉ đạo triển khai trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát ở những nơi có điều kiện. Nhờ vậy, năm 2022 toàn tỉnh đã trồng được 2.288,8ha rừng lim, giổi, lát; kế hoạch năm 2023 toàn tỉnh phấn đấu trồng tối thiểu 2.000ha. Tỉnh đã chỉ đạo UBND các địa phương xây dựng Đề án trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát giai đoạn 2022-2025 tại các khu vực có điều kiện phù hợp; phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh trồng mới ít nhất 5.000ha rừng cây gỗ lớn lim, giổi, lát.
Để thực hiện, các địa phương tiếp tục khuyến khích phát triển cơ sở cung cấp cây giống. Toàn tỉnh có 44 vườn ươm cố định, 201 vườn ươm tạm thời, trong đó có 2 cơ sở nuôi cấy mô. Tổng năng lực sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp của các cơ sở trên địa bàn đạt 80 triệu cây. Công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn được thực hiện chặt chẽ thông qua việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con và giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống.
Cùng với đó, Quảng Ninh còn đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, khuyến khích các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho người dân vùng có rừng và đất rừng sinh sống, làm giàu bằng kinh doanh tổng hợp từ nghề rừng. Thông qua chương trình đã hình thành và củng cố hơn 700ha trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, trong đó một số dược liệu quý như ba kích, trà hoa vàng, cát sâm, khôi tía…
Tỉnh cũng triển khai xây dựng đề án phát triển lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao dưới tán rừng nhằm quy hoạch vùng trồng các loài cây lâm sản thế mạnh, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh, bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ chủ rừng trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng, tạo giải pháp hỗ trợ cho người dân ổn định đời sống để yên tâm phát triển rừng trồng cây gỗ lớn.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tỉnh còn chỉ đạo quy hoạch phát triển chế biến lâm sản gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu, chỉ cấp phép xây dựng mới nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp khép kín bằng công nghệ hiện đại tạo ra thành phẩm giá trị gia tăng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tăng được 16 cơ sở chế biến tổng hợp; 1 nhà máy khai thác, thu mua và chế biến nhựa thông với sản lượng mỗi năm sản phẩm tùng hương đạt trên 25.000 tấn, dầu thông đạt trên 5.500 tấn (chiếm 70% sản lượng cả nước); đồng thời đã giảm được 166 cơ sở nhỏ lẻ chế biến lâm sản.
Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp, chất lượng sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh được nâng lên đáng kể. Từ năm 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt 6,67%/năm.