BVR&MT – Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, công tác trồng rừng đang ngày càng được quan tâm, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, việc nâng cao hiệu quả của công tác này luôn được đặt ra.
Toàn dân tham gia
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2016 cả nước đã tích cực trồng mới được hàng trăm nghìn ha rừng, song theo đánh giá chung kết quả trồng rừng hiện vẫn còn thấp. Để làm tốt công tác trồng cây gây rừng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Công Tuấn cho rằng, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của việc trồng rừng. Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai ngay từ đầu năm công tác trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017 theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Để phát triển kinh tế rừng, chính quyền các cấp cần tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý, xây dựng mô hình, nhân rộng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong phát triển rừng. Ngành lâm nghiệp cần có chính sách để tăng cường thu hút và kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế vào các dự án phát triển rừng, nhằm tăng nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng.
Bộ NN và PTNT đã phê duyệt Đề án “Quy hoạch chuyển đổi cây trồng rừng phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp”, nhằm định hướng cho các địa phương xác định loài cây chủ lực để trồng rừng sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đồng thời chỉ đạo, xây dựng mới các trung tâm giống công nghệ cao có công suất từ 10 triệu cây mô/năm tại các tỉnh có diện tích trồng rừng gỗ keo, bạch đàn hơn 10.000 ha gồm: Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Xây dựng các trung tâm giống công nghệ cao có công suất năm triệu cây mô/năm tại các tỉnh có diện tích trồng rừng gỗ keo, bạch đàn hơn 5.000 ha gồm: Đác Lắc, Bình Phước, Cà Mau; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ; tăng cường quảng bá sản phẩm gỗ nội địa, phát triển các kênh phân phối gỗ trên thị trường trong nước. Sản xuất, xuất khẩu gỗ đang trở thành mặt hàng chủ lực của Việt Nam, trong lúc nguồn nguyên liệu ngày càng thiếu hụt, phải nhập khẩu với giá cao.
Nâng cao hiệu quả trồng rừng
Do mưa, bão gây lũ nhiều tại các tỉnh miền núi phía bắc trong năm 2016 đã ảnh hưởng việc trồng rừng tại nhiều địa phương. Diện tích rừng trồng tập trung mới đạt hơn 130 nghìn ha, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiện các địa phương đang ở giai đoạn trồng rừng chính vụ. Bên cạnh công tác trồng rừng tập trung, các địa phương tiếp tục gieo ươm và chăm sóc cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2017 đồng thời tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh. Các tỉnh Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Đác Nông và Lâm Đồng đã kết thúc mùa vụ trồng rừng nhưng đều không đạt kế hoạch, mới trồng được gần 5.000 ha rừng tập trung, đạt khoảng 60% kế hoạch; trong đó, trồng rừng phòng hộ, đặc dụng chỉ có 101 ha, mới đạt 24,2%, diện tích còn lại là rừng sản xuất. Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, một trong những nguyên nhân khiến diện tích trồng rừng đạt thấp là do các địa phương, doanh nghiệp lâm nghiệp thiếu vốn, thiếu quỹ đất; đất rừng còn có tranh chấp; một số loại cây nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn cho nên các doanh nghiệp, người dân chưa “mặn mà” trồng rừng. Do vậy, các tỉnh Tây Nguyên đang rà soát lại diện tích đất trống, đồi trọc, diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để thu hồi, có kế hoạch đưa vào quy hoạch trồng mới lại rừng; khuyến khích, tạo điều kiện cho các địa phương thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng… Theo kế hoạch, trong năm nay, các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu trồng mới 12.557 ha rừng tập trung; trong đó có một nghìn ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, diện tích còn lại là rừng sản xuất và rừng trồng thay thế.
Nhiều địa phương đã áp dụng các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng cây giống, chủng loại cây phù hợp địa lý, khí hậu, có giá trị kinh tế cao. Tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, một số địa phương đã triển khai mô hình trồng rừng gỗ lớn, được người dân và các tổ chức hưởng ứng; trong đó điển hình là tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngành lâm nghiệp tỉnh khuyến khích người dân hướng tới trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp) để tăng hiệu quả kinh tế, thay vì chỉ trồng rừng để khai thác chế biến dăm gỗ như hiện nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 95 nghìn ha rừng trồng các loại. Với giá gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC cao hơn gỗ không có chứng chỉ khoảng 20 đến 25%, lại bán trực tiếp tới các nhà máy, các hộ dân trồng rừng có thêm cơ hội ổn định đầu ra, tăng thu nhập. Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên – Huế dự tính chuyển thêm khoảng 2.170 ha rừng kinh tế khai thác dăm gỗ sang rừng cây gỗ lớn theo chứng chỉ FSC để nâng cao chất lượng rừng trồng.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế sau khi chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác theo quy định. Tính đến giữa năm 2016, cả nước có gần 30 địa phương có kế hoạch triển khai trồng rừng thay thế với diện tích khoảng 25 nghìn ha.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, cả nước đã trồng được gần 222 nghìn ha rừng tập trung và hơn 58 triệu cây phân tán; khoán quản lý, bảo vệ 6,2 triệu ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 360 nghìn ha rừng; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo nguồn thu gần 1.300 tỷ đồng để thanh toán cho chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng…