BVR&MT – “Rừng mây” – một loại rừng ẩm thường nằm ở vùng núi cận nhiệt đới hoặc nhiệt đới, với đặc điểm chính là mật độ sương mù dày đặc cả trên bề mặt và trên tán cây – ở Monteverde, miền Trung Costa Rica, chẳng bao lâu nữa có thể sẽ mất đi tên gọi này, khi biến đổi khí hậu đang đe dọa hệ sinh thái đặc biệt này và hệ động và thực vật của rừng đang đối mặt với một tương lai bất định khi Trái Đất ngày càng ấm lên.
Hướng dẫn viên trẻ tuổi Andrey Castrillo cho biết thời gian sương mù “ngự trị” ở Monteverde đang giảm dần do nhiệt độ tăng cao. Nếu trước đây, mỗi lần bước chân vào khu rừng là du khách đã có thể nghe thấy tiếng nước nhỏ giọt liên tục từ trên cây, nhưng hiện nay điều này chỉ xảy ra vào những ngày ẩm và lộng gió nhất của mùa mưa. Một thực tế đáng buồn nữa là nếu trước đây khu rừng chỉ có khoảng 30 ngày nắng mỗi năm thì con số này hiện nay lên tới hơn 130 ngày.
“Rừng mây” Monteverde nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, cách thủ đô San Jose 140 km về phía Tây Bắc. Với diện tích hơn 14.200 ha, khu bảo tồn thiên nhiên tư nhân này hiện là “ngôi nhà” của hàng trăm loài động vật có vú, 440 loài chim và 1.200 loài lưỡng cư. Hình thái “rừng mây” như Monteverde chỉ chiếm 1% các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới.
Nhà nghiên cứu Ana Maria Duran tại Đại học Costa Rica, vốn thường xuyên đi thực tế tại khu rừng này trong hơn 20 năm qua, cho biết mây che phủ gần mặt đất khi độ ẩm bão hòa trên 90%, trong điều kiện nhiệt độ từ 14 – 18 độ C. Thông thường, sương mù “gần như thường trực” tạo cho du khách cảm giác “như đang dạo bước trên mây” khi tầm nhìn xuống chỉ còn 1 mét. Tuy nhiên, với mức nhiệt lên đến hơn 25 độ C, sương mù chỉ còn lác đác dưới bầu trời trong xanh. Nhiệt độ tăng đồng nghĩa với độ ẩm thấp hơn, nhiều ánh nắng Mặt Trời hơn. Rêu khô chỉ còn bám trên thân cây, sông biến thành suối và các loài lưỡng cư tại đây là những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu.
Nhà sinh vật học Andrea Vincent tại Đại học Costa Rica cảnh báo sự suy giảm của các loài lưỡng cư trong “rừng mây” ở Monteverde là hồi chuông cảnh báo nguy cơ nhiều loài khác nhau có thể tuyệt chủng, ví dụ như loài Incilius periglenes, còn gọi là ếch vàng, mà Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) coi là tuyệt chủng từ năm 2019. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, thế giới vẫn có thể ngăn chặn kịch bản xấu này và phục hồi hệ sinh thái độc đáo của khu “rừng mây” nếu nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu.