BVR&MT – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp được nêu rõ tại các Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010; số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011; số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013.
Qua hơn 5 năm tổ chức triển khai thực hiện chính sách trên, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp một số khâu tăng cao, nhất là đối với sản xuất lúa: Khâu làm đất đạt 92%; thu hoạch (vùng Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL) đạt 82%; sấy (vùng ĐBSCL) đạt 56%; tuốt đập, xay xát lúa, gạo đạt 98%; tổn thất trong nông nghiệp giảm nhất là đối với sản xuất lúa, gạo hiện nay tổn thất sau thu hoạch còn 8-10%.
Nguồn vốn cho nông dân vay ngày càng tăng, đồng thời đã huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho cơ giới hóa, cụ thể: Từ năm 2011 tới cuối tháng 6/2017, doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình đạt 8.132 tỷ đồng từ vốn tín dụng Nhà nước; vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân khoảng trên 5.000 tỷ đồng; ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất trên 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước còn cao, hiện nay là 8,55%/năm (theo Thông tư số 76/2015/TT-BTC ngày 21/5/2015 của Bộ Tài chính), không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại nên chưa khuyến khích các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là các doanh nghiệp) đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, các dự án chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Thêm vào đó, hiện tại đối với máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung vào cây lúa; đối với lĩnh vực thủy sản nhất là thiết bị bảo quản cho tàu khai thác và dịch vụ hậu cần còn hạn chế (do không có tài sản thế chấp). Chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua vay vốn ngân hàng còn nhiều thủ tục rườm rà như: trình tự cho vay, hồ sơ, thủ tục, thẩm định, tài sản thế chấp….
Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ tình hình và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định về chính sách hỗ trợ cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Mục tiêu xây dựng Nghị định nhằm đẩy mạnh ứng dụng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đến năm 2020, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Đến năm 2020 giảm 50% tổn thất sau thu hoạch đối với các loại nông sản, thủy sản, cụ thể: Đối với lúa gạo: 5 – 6%; ngô 8 – 9%; thủy sản, rau quả: giảm mức độ tổn thất (cả về số lượng và chất lượng) từ 20% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2020.