BVR&MT – Việc thiếu nước tưới tiêu tại Đăk Hà (Kon Tum) đã khiến những hộ trồng cà phê đứng trước nguy cơ thua lỗ trong niên vụ 2022 – 2023.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), do thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến mực nước tại các công trình hồ chứa, đập thủy lợi giảm xuống nghiêm trọng. Là vùng trồng cà phê có diện tích lớn nhất tại tỉnh Kon Tum với hơn 15 nghìn ha, việc thiếu nước tưới tiêu tại Đăk Hà đã khiến những hộ trồng cà phê đứng trước nguy cơ thua lỗ trong niên vụ 2022 – 2023 khi năng suất dự kiến sẽ bị sụt giảm dự kiến trên 35%.
Do thiếu hụt nguồn nước tưới, hàng trăm cây cà phê tái canh từ năm thứ 2 trở lên của chị Nguyễn Thị Hồng (thôn 2, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) có hiện tượng bị khô cành, rụng lá. Những trái cà phê non vừa đậu vài tháng trước, đang trong tình trạng héo hắt và không còn khả năng phát triển.
Chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, gia đình chị nằm ở cuối nguồn nước nên phải đợi cho các hộ ở trên tưới xong rồi mới đến lượt. Do thiếu nước và nắng nóng nên khoảng 8 – 10 ngày, cây cà phê xuất hiện tình trạng cháy lá, khô cành, quả non bị hư.
Nhằm tránh nguy cơ mất trắng, chị Nguyễn Thị Hồng phải đi xin nước từ các hồ chứa của hộ khác. Đồng thời, thuê hệ thống từ máy bơm và đường ống dài hơn 1.600m để đưa nước hồ chứa lên rẫy. Với giá xăng dầu và chi phí đầu tư cao, ước tính chi phí đợt tưới này phải gấp 3 lần so với những đợt tưới trước.
Anh Đào Nhật Hợi (thôn 4, xã Hà Mòn) chia sẻ, mặc dù rẫy của gia đình nằm ngay dưới dòng kênh cấp I, thuộc công trình Đập thủy lợi Đăk Uy, song nguồn nước ở kênh đã cạn từ lâu. Gia đình anh Hợi và các hộ xung quanh cùng chia nhau nguồn nước ít ỏi tại các hồ, giếng nhỏ với hy vọng có thể cứu được cây.
Công ty cà phê Đăk Uy (huyện Đăk Hà) hiện có trên 420 ha cà phê, với gần 270 ha tái canh năm thứ hai trở lên. Đa phần diện tích này phụ thuộc vào nguồn nước điều tiết từ hệ thống kênh cấp nước dẫn từ đập Đăk Uy, cách xa trên 10km.
Khi nguồn nước từ hệ thống kênh cấp dẫn nước bị sụt giảm, không còn khả năng điều tiết nước tưới về cuối nguồn, nắng hạn đã làm trên 60 ha bị thiệt hại.
Anh Lê Thanh Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật Nông nghiệp, Công ty cà phê Đăk Uy chia sẻ, đối với những diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nguy cơ sụt giảm năng suất trên 35% trong niên vụ tới. Việc này tác động tiêu cực tới hàng trăm ha cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và bắt đầu vào chu kỳ kinh doanh.
Đây là giai đoạn cây cà phê sinh trưởng phát triển mạnh, nhưng cũng dễ bị tổn thương do những tác động tiêu cực. Không chỉ sụt giảm năng suất, việc thiếu nước tưới còn khiến bộ rễ của cây trồng dễ bị tổn thương và phát sinh các loại mầm bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất trong suốt chu kỳ kinh doanh sau này.
Huyện Đăk Hà là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất tỉnh Kon Tum với trên 15.000 ha; trong đó, phần lớn diện tích cà phê đều phụ thuộc chủ yếu vào khả năng điều tiết nước của các công trình thủy lợi.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, mùa khô hạn năm nay, toàn huyện có trên 500 ha cây trồng có nguy cơ thiếu nguồn nước tưới. Không chỉ sụt giảm năng suất, việc thiếu nước tưới còn khiến bộ rễ của cây trồng dễ bị tổn thương và phát sinh các loại mầm bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất trong suốt chu kỳ kinh doanh sau này.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà Ngô Hồng Hưng cho biết, Ngành đang tập trung triển khai giải pháp tưới động lực như tổ chức bơm nước từ khe suối, hồ, đập và tưới theo nhóm hộ để bổ sung nước cho khu vực bị hạn; quản lý chặt chẽ cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, điều tiết nguồn nước phù hợp đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới.
Đồng thời, tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục những chỗ hư hỏng, rò rỉ; vận động người dân thực hiện tưới tiết kiệm, giữ bờ bao, bờ thửa để nâng cao khả năng trữ nước ở mặt ruộng từ 3 – 5 ngày.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum đánh giá, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt như tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới so với các phương thức truyền thống.
Trước tình trạng thiếu nước như hiện nay, đơn vị khuyến khích người dân nên áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.