Chủ động ứng phó với nắng nóng

BVR&MT – Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng, xâm nhập mặn.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày 5/5, khu vực phía Tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C; phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.

Nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 7/5. Nắng nóng ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 7/5 giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, hồi 10h30’ ngày 3/5/2023 đã xảy ra sạt lở đất cát bờ hồ Bàu Trắng tại thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, diện tích sạt lở khoảng 1.590m2.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tổ chức cắm cọc, biển báo khu vực sạt lở để cảnh báo người dân, khách du lịch và tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó.

Các địa phương chủ động ứng phó với nắng nóng (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: K.S)

Về tình hình xâm nhập mặn khu vực Nam bộ, khu vực hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất khoảng 45-55km. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, độ mặn 4‰ xâm nhập sâu nhất trên sông Tiền, sông Hậu khoảng 20-30km.

Dự báo, từ nay đến 10/5, độ mặn tại hầu hết các trạm trên các sông Nam Bộ giảm chậm trong 2-3 ngày đầu, sau tăng chậm. Độ mặn lớn nhất trong tuần tới sẽ xuất hiện vào cuối tuần, và ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2022; riêng trạm Sông Đốc nhỏ hơn năm 2022. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp 2.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng, xâm nhập mặn.

Tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai; báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

NGUỒNdangcongsan.vn
Tags:
CHIA SẺ