BVR&MT – Ngày 15/4, tại Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Diễn đàn văn hóa với chủ đề “Các dân tộc Việt Nam – nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Diễn đàn là hoạt động thiết thực triển khai hiệu quả những nội dung của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030; Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và 15 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Đất nước ta có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em; tạo nên lịch sử dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm. Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam. Đó là yếu tố để làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và tạo sự hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc văn hóa nước ta trên trường quốc tế.
“Hơn ai hết, chúng ta phải nhận thức một cách đầy đủ rằng, một quốc gia không chỉ cần có quân đội mạnh, có một nền kinh tế vững mà cần mạnh cả về văn hóa. Chính văn hóa tạo ra môi trường cho dân chủ phát triển, thúc đẩy công bằng, củng cố mối quan hệ đoàn kết dân tộc. Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như sự đa dạng của văn hóa dân tộc và một số vấn đề đặt ra hiện nay; Phát huy nguồn lực văn hoá các dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước, một số nhận thức căn bản; Đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong bối cảnh phát triển hiện nay…
Theo GS.TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc, trong đó, ngoài người Kinh là dân tộc chiếm đa số, còn 53 dân tộc anh em, với vị trí địa lý dài từ Bắc xuống Nam cùng nhiều loại địa hình địa chất và điều kiện khí hậu khác nhau, đã tạo nên nền văn hóa vừa đa dạng, vừa phong phú. Bên cạnh đó, sự đông đảo về các tộc người cùng các nhóm, các ngành trong mỗi dân tộc thiểu số lại tạo nên một bức tranh đa màu sắc về văn hoá của họ. Chính vì vậy, nguồn lực văn hóa của các dân tộc thiểu số rất giàu có và phong phú, không phải quốc gia nào cũng có được ưu thế này.
Trình bày tham luận về phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước: Một số nhận thức căn bản, PGS, TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số cư trú ở khắp các vùng miền trên cả nước tạo nên sự đa dạng và giàu có cho văn hóa các tộc người. Mỗi dạng biểu đạt văn hóa của tộc người lại tạo ra nguồn lực văn hóa khác nhau. Sẽ không có một nguồn lực văn hóa nào được xem là quan trọng, cốt lõi nhất, chi phối hay lấn át nguồn lực khác mà tùy thời điểm, điều kiện, bối cảnh cụ thể sẽ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng.
GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm của các cộng đồng quốc gia đa dân tộc trong khu vực và trên thế giới cho phép khẳng định rằng, nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu vừa mang lại những thời cơ và giao lưu kinh tế – xã hội tích cực, vừa tạo nên những nguy cơ lớn đối với văn hóa các dân tộc.
Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến thiết thực gợi mở, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.
Dịp này, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk và các địa phương tổ chức “Triển lãm một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với tộc người”.
Triển lãm trưng bày gần 150 hiện vật gắn với đời sống văn hoá tộc người tại địa phương. Đây là các hiện vật tiêu biểu của các tộc người tỉnh Đắk Lắk, kết hợp với hiện vật được hiến tặng qua các cuộc vận động hiến tặng tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hậu Thạch