BVR&MT – Trong rác thải sinh hoạt, hàm lượng hữu cơ thường chiếm tỷ lệ cao, là môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nhiều dịch bệnh có thể phát sinh từ đây như: bệnh tiêu chảy, bệnh đường tiêu hóa, sốt xuất huyết, các bệnh về mắt, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa…thậm chí là HIV.
Rác thải là các chất thải bỏ gồm những hợp chất phức tạp, đa dạng được sinh ra trong quá trình sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất của con người hoặc do thiên tai đưa lại. Rác thải có 2 loại: Rác hữu cơ: là những chất phân hủy được trong đất như thức ăn thừa, rau quả, lá cây, rơm rạ, giấy loại, xác súc vật, phân… Rác vô cơ: là những chất không phân hủy được trong đất như bao bì bằng nhựa, nilông, thuỷ tinh, kim loại, vỏ đồ hộp, bơm kim tiêm…
Tác hại của rác thải trong sinh hoạt
Nếu không được thu gom và xử lý, rác thải sẽ gây ra rất nhiều tác hại với môi trường và sức khỏe con người:
Rác làm ô nhiễm môi trường sống: Không được thu gom và xử lý tốt, rác thải làm nhiễm bẩn môi trường sống, gây ra những chất hôi, thối do sự phân hủy của các chất hữu cơ bởi các vi sinh vật hoại sinh có sẵn trong rác. Nước phân hủy từ đống rác không những làm bẩn nước ngay tại chổ mà còn bị nước mưa lôi cuốn đi, làm nhiễm bẩn nước bề mặt, nước ngầm phía xa hơn.
Rác thải là nguồn chứa mầm bệnh, gây chấn thương cho cơ thể người: Rác thải chứa đủ các loại mầm bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân dẫn đến các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, bại liệt, viêm gan A, tay chân miệng, giun sán… Rác là bơm kim tiêm có thể làm lây nhiễm HIV. Ngoài ra một số rác còn là nguyên nhân gây ra chấn thương như chai, lọ, sắt, thép;
Rác thải nơi hoạt động của các con vật trung gian truyền bệnh: Rác là nơi cung cấp thức ăn có vai trò quyết định trong việc sinh sản của ruồi, gián, chuột, muỗi… Đây là những loại vật trung gian gây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan, tay chân miệng, dịch hạch, sốt vàng da…
Lợi ích của việc thu gom và xử lý rác thải
Đối với sức khoẻ: Chống được ô nhiễm không khí, đất, nguồn nước; tránh được bệnh tật và ngộ độc (rác thải là hóa chất). Đối với kinh tế: Tận dụng rác thải làm phân bón. Rác hữu cơ có thể sản xuất nấm ăn, nuôi giun để làm thức ăn gia súc. Rác vô cơ có thể tận dụng để tái sản xuất.
Đối với nhà trường: Thu gom và xử lý tốt rác thải trong nhà trường sẽ làm cho trường học được đảm bảo vệ sinh, văn minh, sạch đẹp, làm giảm mắc một số bệnh, đồng thời có tác dụng giáo dục cho học sinh luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường mọi lúc, mọi nơi. Đối với xã hội: Đường làng ngõ xóm sạch sẽ là biểu hiện sự văn minh của cộng đồng.
Cách thu gom rác thải
Tại gia đình: Hàng ngày quét dọn, đổ rác vào nơi nhất định. Là rác hữu cơ có thể xử lý bằng: chôn, đốt hoặc ủ để làm phân bón. Rác vô cơ thu gom riêng để bán lại cho người thu mua hoặc tái sử dụng. Cần phải có các dụng cụ thu gom rác thuận lợi. Mỗi gia đình nên có một giỏ (sọt) đựng rác hoặc đào 1 hố rác để chôn rác hữu cơ mỗi khi quét dọn (vùi đất mỗi khi đổ rác vào hố, tránh chó, mèo, gà đào bới hoặc côn trùng phát triển). Mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm tham gia.
Nơi công cộng: Phải chứa rác vào bể chứa rác, thùng rác to công cộng, hàng ngày có xe lấy rác tập trung đem đi xử lý. Người dân cần cho rác vào bao trước khi đem đến nơi tập kết rác. Hàng tuần, hàng tháng tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm và nơi công cộng. Thường xuyên thu gom các bơm kim tiêm vương vãi trong công viên, lối đi… Tuyên truyền sự cần thiết của việc thu gom rác thải cũng như tác hại của rác thải. Cần có sự tham gia, đóng góp của mọi người dân trong vùng.
Tại trường học: Hàng ngày quét dọn sạch sẽ lớp học, sân, vườn trường và đổ rác đúng nơi quy định. Mỗi lớp có thùng rác hoặc sọt đựng rác có nắp đậy, chổi, hốt rác. Nhà trường có thùng chứa rác, thường xuyên xử lý. Tuyên truyền sự cần thiết thu gom rác thải cũng như tác hại của rác thải trong các buổi học, chào cờ; treo các áp phích quanh trường. Thành lập đội tự quản hoặc theo dõi có phân công giáo viên phụ trách. Rất cần sự làm gương của các thầy, cô và cán bộ nhân viên của trường, cả cha mẹ, hội phụ huynh. Sự tham gia, đóng góp của các bậc phụ huynh để thu gom và xử lý rác thải hàng ngày
Tại trạm y tế: Phân loại chất thải ngay tại thời điểm phát sinh và bỏ vào đúng nơi quy định. Chất thải sinh hoạt bỏ vào túi, thùng có màu xanh. Chất thải y tế (bông, băng, gạc… có dính máu, dịch cơ thể) bỏ vào túi có màu vàng; bơm kim tiêm hoặc các vật sắc nhọn khác bỏ vào thùng/hộp làm bằng vật liệu cứng, không bị xuyên thủng. Bơm kim tiêm dùng một lần sau sử dụng bỏ ngay vào thùng không được bẻ và đậy nắp kim. Chất thải rắn y tế phải được đơn vị có chức năng xử lý, tiêu hủy./.
Minh Hiền