Tăng trưởng kinh tế 2023: Nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản để bứt tốc

BVR&MT – Tăng trưởng GDP 3,32% trong quý I đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn tới 2,8 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (5,6%) và là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023. Đáng chú ý là có tới 5 địa phương tăng trưởng GRDP âm trong quý I/2023. Trong số 5 địa phương này, một số địa phương là trung tâm sản xuất của cả nước. Cụ thể, Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.

Lý giải về sự giảm tốc này, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2023 khu vực công nghiệp suy giảm do cả ba ngành công nghiệp quan trọng là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện đều tăng trưởng âm với lần lượt là -5,6%, -0,37% và -0,32%. Trong đó, ngành khai khoáng giảm do ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên nhiều năm nay vẫn gặp khó khăn, khai thác dầu thô giảm 6%, khai thác khí đốt giảm 6,1%…

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023 (Ảnh minh họa: KT)

“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên toàn cầu, lạm phát các nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu. Nhóm ngành sản xuất xe có động cơ và sản xuất phương tiện vận tải khác cũng giảm sâu do nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm sút, chi phí đầu vào ở mức cao…”, đại diện Tổng cục Thông kê cho biết.

Ngoài 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng âm, tốc độ tăng GRDP của các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn cả nước cũng cho thấy nhiều lo ngại và nguyên nhân cũng do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp như: TP.HCM tăng trưởng chỉ 0,7%, Bình Dương tăng 1,15%, Đồng Nai tăng 3,25%. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thế giới sụt giảm và ngay cả nhu cầu trong nước cũng không phải đã hoàn toàn phục hồi, dẫn tới sản xuất công nghiệp giảm mạnh, xuất khẩu giảm.

“Động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước đã “âm” tới 0,82%, đã kéo tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế giảm 0,28 điểm phần trăm. Động lực tăng trưởng đã suy giảm sức mạnh.Trong khi đó, tiến trình phục hồi của nền kinh tế không thể hoàn toàn dựa vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp, dù là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, nhưng khó có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng đột phá”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết thêm.

Trông vào động lực tăng trưởng nào?

GDP quý 1/2023 theo ước tính của Tổng cục Thống kê chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây có lẽ không phải là điều quá đáng lo ngại. Bởi lẽ trong quý I, dịp lễ, tết khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh chưa sôi động, và thị trường bất động sản, chứng khoán, xuất nhập khẩu không khởi sắc lắm nên nền kinh tế có phần bị ảnh hưởng.

“Các hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ vì các thị trường nội địa và quốc tế bị thu hẹp do lạm phát tăng. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của chúng ta đang bị giới hạn. Các nước trên thế giới đều trong tình trạng phải kiểm soát lạm phát, hầu như các nước Tây phương đều tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Từ đó, sức tiêu thụ của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu bị giảm đi. Điều này cũng làm thu hẹp thị trường xuất khẩu, làm cho nền kinh tế bị trì trệ. Sức tiêu dùng nội địa cũng đã giảm đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực như du lịch, vẫn chưa lấy lại được sự phát triển như trước khi đại dịch diễn ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% và kiểm soát lạm phát khoảng 5% trong bối cảnh cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nghiêm trọng hơn, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, giá cả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711.700 tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ cần xử lý đồng thời các khó khăn của doanh nghiệp để phát huy hiệu quả các đột phá trong chính sách tiền tệ và tài khoá.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

“Các bộ, ngành và địa phương cần cải thiện môi trường, chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển ngày càng nhiều hơn tới những điểm đến được thế giới xếp hạng; tạo sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách du lịch quốc tế. Đồng thời, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch thông thoáng, ban hành và đột phá thực hiện ở một số lĩnh vực, một số địa phương sẽ là cú hích cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế”, ông Lâm khuyến nghị.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tăng trưởng trong quý II/2023 có thể đi lên với điều kiện phải tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế. Một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế rõ ràng nhất là đầu tư công. Tất cả những chương trình đầu tư công cần được triển khai một cách đồng loạt, mạnh mẽ để tạo ra động lực cho nền kinh tế.

“Cần tăng sức tiêu thụ trong nền kinh tế. Giảm lãi suất là vấn đề cốt yếu phải thực hiện để cho vay tiêu dùng thuận lợi hơn. Cùng với đó, sản xuất kinh doanh phải được đẩy mạnh để người lao động có tiền vì khi người lao động có tiền, mức tiêu thụ nội địa sẽ tăng. Điều quan trọng nữa cần phải làm là mở rộng thị trường xuất khẩu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để tăng trưởng cả năm đạt được 6,5%, thì các quý còn lại phải đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7,5% và điều này là không hề đơn giản. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, xuất nhập khẩu trong năm nay vẫn sẽ là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam, vì ở một mức độ nào đó, Việt Nam đang thay thế một phần Trung Quốc để cung cấp hàng hóa cho thế giới. Hơn nữa, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng đang được thế giới tiếp nhận một cách tích cực. Đồng thời, những sản phẩm nông sản và tiêu dùng của chúng ta đang được nhiều thị trường lớn trên thế giới yêu thích. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.

Dù chặng đường có gập ghềnh trước sóng gió từ kinh tế toàn cầu, nhưng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô và hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải ngân đầu tư công, cùng giải pháp vượt khó từ chính doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt trội trong những tháng cuối năm./.

NGUỒNvov.vn
Tags:
CHIA SẺ