BVR&MT – Giới khoa học cảnh báo đợt nắng nóng đang hoành hành tại khu vực Nam Âu, đến nay đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp, sẽ trở nên trầm trọng hơn trong nhiều thập kỷ tới.
Theo kết quả của một nghiên cứu khoa học công bố ngày 5/8, tới cuối thế kỷ này, số người tử vong do thời tiết nắng nóng ở châu Âu có thể tăng gấp 50 lần, từ mức ước tính 3.000 người/ năm đưa ra mới đây lên mức 152.000 người/năm, nếu tình trạng Trái Đất ấm lên không được kiểm soát.
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu khoa học của Ủy ban châu Âu cho thấy Nam Âu sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nắng nóng, và nhiệt độ tăng cao là nguyên nhân gây ra tới 99% trường hợp tử vong.
Hồi tuần trước, giới chuyên gia cũng cảnh báo các khu vực rộng lớn ở Nam Á, nơi sinh sống của 20% cư dân địa cầu, có thể trở nên nóng “không thể chịu được” vào cuối thế kỷ này.
Người dân Nam Âu đang hứng chịu các đợt nắng nóng kéo dài kể từ tháng Bảy vừa qua. Nền nhiệt cao bất thường đã được ghi nhận tại các khu vực trải rộng khắp trên bán đảo Iberia (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), miền Nam nước Pháp, Italy, Hungary và vùng Balkan, có nơi nhiệt độ lên tới 40 độ C.
Tính riêng trong tuần đầu tháng Tám, tại Italy và Romania đã có ít nhất 5 người thiệt mạng do thời tiết nắng nóng. Số người phải nhập viện do nắng nóng tại “đất nước hình chiếc ủng” đã tăng tới 15-20%. Sản lượng rượu vang và olive của Italy cũng được dự báo sẽ giảm lần lượt 15% và 30% trong năm nay.
Trong khi đó, tại Pháp, giới chức y tế khuyến cáo người dân thận trọng trước các nguy cơ về sức khỏe đối với người cao tuổi và người bệnh. Pháp từng trải qua đợt nắng nóng gay gắt hồi năm 2003 khiến hơn 15.000 người tử vong.