BVR@MT – Những ngày này, dọc tuyến đường dọc tuyến đường Nghĩa Đàn – cảng Đông Hồi (Quốc lộ 48D), những cánh đồng cánh đồng dứa của huyện Quỳnh Lưu, trái dứa đã chín vàng khắp cả triền đồi, người dân đang tất bận để thu hoạch. Tiếng cười giòn tan vọng vào từng triền núi báo hiệu một mùa bội thu cho bà con xứ Nghệ.
Dứa được xem là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con huyện Quỳnh Lưu. Toàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng hơn 1.100 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã: Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu. Trong đó, riêng xã Tân Thắng có đến 873 ha. Đây là xã thuộc vùng dân tộc miền núi (bán sơn địa) của huyện Quỳnh Lưu; đất đai khá cằn cỗi tưởng chừng như không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng nơi đây lại là thủ phủ trồng dứa (khóm) của huyện Quỳnh Lưu và cũng là của tỉnh Nghệ An. Đến với Tân Thắng mùa này sẽ thấy bạt ngàn dứa. Những đồi dứa như bát úp nhung nhúc dứa quả chín mọng, căng tròn, mùi thơm lan toả như chào mời, vẫy gọi. Ở địa phương này, 90% diện tích được người dân trồng chủ yếu giống dứa nữ hoàng hay còn gọi là dứa Queen, 7% dứa cayen và 3% còn lại là dứa siêu ngọt – giống của Mỹ.
Năm nay đầu mùa giá bán chỉ giao động từ 4000 đồng/kg, tuy nhiên với thời tiết nắng sớm giá bán đang tăng dần lên theo ngày ở mức 5.000 – 6.000 đồng/1kg, tùy theo chất lượng. Bà con đang phấn khởi bởi sản lượng năm nay nhiều hơn và chất lượng tốt hơn vì thế mà giá bán cũng đang được nhiều hộ dân hi vọng còn tăng trong mùa nắng tới.
Gia đình chị Nguyễn Thị Yến (xã Tân Thắng) với 1 ha diện tích trồng dứa, bán tại ruộng với giá 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, chị thu về cả tiền trăm triệu đồng/ha. “Dứa năm nay được mùa, quả to, đều và đẹp, dứa cũng ngọt đậm hơn, năng suất dựa kiến đạt 35 – 40 tấn/ha. Đầu vụ, giá dứa thấp khiến người dân rất lo lắng. Rất may, khi vào vụ nắng, giá đang nhỉnh lên dần. Mức giá này so với những năm đỉnh điểm thì vẫn còn thấp (năm cao nhất dứa được bán với giá 10-12.000 đồng/kg) nhưng so với cùng kỳ năm ngoái và đầu vụ năm nay thì cao hơn nhiều. Nếu duy trì ổn định mức 6.000 – 7.000 đồng/kg thì người trồng dứa có lãi”, chị Yến cho biết.
Theo tính toán của người dân, chi phí đầu tư cho mỗi ha dứa khoảng 70-75 triệu đồng. Như vụ dứa năm nay, dứa cho năng suất cao, đạt 35 tấn/ha, cá biệt, có những diện tích chăm sóc tốt, năng suất lên đến 40 tấn/ha. Với giá bán từ 5.500 đồng – 6.000 đồng/kg sẽ đem lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận đạt được khoảng 100 – 120 triệu đồng/ha. “Nếu giá cả ổn định, duy trì ở mức từ 4.500 đồng trở lên thì người trồng dứa đã có lãi”, anh Nguyễn Văn Phong, một thương lái chuyên thu mua dứa cho biết.
“Vụ dứa năm nay, quả dứa to, đều, năng suất cao, chất lượng tốt. Trung bình 1 ha dứa sẽ cho năng suất từ 35 – 40 tấn. Dứa thu hoạch đến đâu, thương lái tới mua sạch đến đó. Bây giờ thời tiết nắng lên, nhu cầu về nước ép tăng cao, chúng tôi cũng mong rằng giá quả dứa cũng sẽ tăng” gia đình anh Phan Long (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có 1ha dứa đang vào vụ thu hoạch, chia sẻ thêm.
Thời gian gần đây, bà con nông dân trồng dứa ở các địa phương trên địa bàn huyện đã chú trọng việc sản xuất theo phương pháp rãi vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc ra hoa và đậu quả phù hợp với từng thời điểm, hạn chế dứa chín tập trung cùng một thời điểm nên đã kéo dài được thời gian thu hoạch. Qua đó, đã giảm bớt được tình trạng được mùa rớt giá và ngược lại. Nhiều gia đình thu hoạch cũng đang cầm chừng theo diện tích dứa đã chín rộ, chờ giá quả dứa sẽ tăng lên vì sắp vào mùa nắng nóng, nhu cầu sẽ rất lớn.
Chính quyền địa phương cũng xác định, đây là một trong những loại quả chủ lực của huyện, UBND xã Tân Thắng cũng tuyên truyền giúp bà con tăng cường các biện pháp kỹ thuật, làm chủ quy trình sản xuất dứa từ khâu trồng, chăm sóc ra hoa và xử lý dứa chín đúng thời điểm; xã xây dựng kế hoạch làm việc với Nhà máy dứa Đồng Giao để tìm hiểu, khâu nối bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Ông Nguyễn Văn Cấp – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thắng cho biết: “Dứa Tân Thắng chủ yếu được thương lái thu mua và nhập cho các nhà máy chế biến dứa ở các tỉnh phía Bắc hoặc nhập sang Trung Quốc, phần nữa là bán ở các chợ dân sinh, tiêu thụ nội tỉnh. Năm nay, dứa được mùa, năng suất cao. Đầu vụ giá thấp, khó tiêu thụ thì nay, khi rộ vụ thu hoạch, giá dứa tăng, dễ bán hơn. Tuy nhiên, điều người dân mong muốn là liên kết được với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến bao tiêu sản phẩm dứa quả với giá ổn định”.
Đối với xã Tân Thắng, nếu như trước đây có đến 90% sản lượng dứa của địa phương chủ yếu tiêu thụ ra phía Bắc thì nay xã đã mở rộng được thị trường tiêu thụ nên có từ 20 – 30% dứa được bán vào các tỉnh phía Nam. Nhờ đó, lượng sản phẩm tồn đọng được hạn chế, thuận lợi hơn rất nhiều cho người trồng dứa. Việc mở rộng thị trường, nâng cao việc áp dụng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp nói chung và dứa nói riêng của địa bàn huyện sẽ là tạo ra được sự ổn định trong tiêu thu và sản xuất của bà con, mang lại hiệu quả cao và giảm thiểu sự tác động của thời tiết khắc.
Hà Linh