BVR&MT – Diện tích bị khô hạn tập trung phần lớn ở khu vực rừng Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cụm đảo Hòn Khoai và một số xã có diện tích rừng.
Chiều 24/3, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, do thời tiết khô hanh, nắng nóng gay gắt khiến 22.730 ha trong số trên 47.890 ha rừng và đất lâm nghiệp ở U Minh Hạ và cụm đảo Hòn Khoai bị khô hạn.
Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp III (cấp cao) khoảng 18.600ha, cấp IV (cấp nguy hiểm) khoảng 4.120ha. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 25.164 ha rừng đang ở cấp báo động cháy cấp II (cấp trung bình).
Diện tích bị khô hạn tập trung phần lớn ở khu vực rừng Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cụm đảo Hòn Khoai và một số xã có diện tích rừng.
Dự báo của cơ quan chức năng, thời gian tới tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt tiếp tục kéo dài sẽ đặt nhiều diện tích rừng ở U Minh Hạ đứng trước nguy cơ xảy ra cháy ngày càng cao do diện tích rừng dự báo nguy cơ cháy cấp cao và cấp nguy hiểm tăng lên.
Trước tình hình trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu đơn vị Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ và các chủ rừng luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên theo dõi, kiểm tra và cập nhật, báo cáo tình hình rừng, dự báo các cấp độ nguy cơ cháy theo đúng quy định.
Giải pháp quan trọng là triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy được các chủ rừng xây dựng từ đầu mùa khô; trong đó thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện-vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Các chủ rừng phát huy và nhân rộng những kinh nghiệm, mô hình hay trong công tác bảo vệ rừng; làm tốt tuyên truyền, vận động người dân cư ngụ trong và ven rừng cam kết thực hiện hiện tốt công tác bảo vệ rừng, tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần đảm bảo phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức diễn tập để có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, các chủ rừng, địa phương, đơn vị có liên quan phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản./.