BVR&MT – Nằm dưới dải núi Tản Viên hùng vĩ, có độ cao trung bình 100 m so với mực nước biển, những bậc thang đá ngoằn ngoèo né những khối đá núi chồng lên nhau san sát, các loại cây rừng mọc sừng sững hằng trăm năm tuổi với chi chít những loài cây thuốc được dân tộc dao bảo tồn bao năm nay. Nó trở thành một kho tài nguyên dược liệu không chỉ là bài thuốc quý, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con huyện Ba vì.
Rừng là nguồn dược liệu vô giá
Từ ngàn xưa, con người đã khai thác các sản phẩm của rừng để làm thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Ngày nay, nhiều quốc gia đã phát triển ngành khoa học “dược liệu rừng” nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa các nguồn dược liệu và tìm kiếm các phương thuốc chữa bệnh nan y. Kế thừa và phát huy lợi thế sẵn có, bà con dân tộc người Dao sinh sống tập trung nằm ở dưới chân núi Tản Viên, xã Ba Vì, huyện Ba Vì đã xem đây là nguồn sinh kế quan trọng mang lại nguồn thu nhập và là món quà qúy thiên nhiên ban tặng.
Vùng núi Ba Vì sở hữu tới hơn 500 loài dược liệu quí và đặc hữu. Cộng đồng người Dao trên địa bàn xã đang lưu giữ những tri thức sử dụng cây, cỏ làm thuốc rất đa dạng và chế biến trên 60 bài thuốc được Bộ Y tế công nhận. Là tác giả của nhiều bài thuốc nam truyền thống nổi tiếng, được coi như một kho tàng tri thức bản địa phong phú, cần được gìn giữ. Những bài thuốc này được biết đến với khả năng chữa nhiều bệnh như thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, các bệnh về khớp, viêm xoang, nguyên liệu đều là các cây thuốc từng được thu hái trong các cánh rừng vùng núi Ba Vì, với rất ít các loài có thể di thực về trồng ở độ cao thấp trong vườn nhà.
Từ những nguồn dược liệu quý mà người Dao đã chế thành rất nhiều bài thuốc. Y lý những bài thuốc Nam của người Dao thường có 4 bước gồm trị bệnh, khỏi bệnh, chống tái phát và tiệt nọc bệnh. Trước hết những bài thuốc người Dao làm là để chữa bệnh trong dân tộc mình, sau cho mọi người. Phong tục xưa là chỉ cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà thầy lang để làm cúng lễ tạ ơn tổ tiên là được.
Những công đoạn làm thuốc của đồng bào Dao tại đây rất tỉ mỉ khi làm thủ công. Từ những dược liệu thu lượm được ở vùng núi cao, họ đem về băm chặt nhỏ theo kích cỡ phù hợp, rửa sạch phơi khô rồi đóng gói bảo quản. Những vị thuốc quý mà người Dao Ba Vì vẫn còn lưu truyền và phát huy từ thời xưa là bài thuốc tắm, thuốc cao. Trong đó, bài thuốc tắm đẻ truyền thống của người Dao nổi tiếng giúp cho sản phụ nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sạch huyết và người mẹ có thể lao động bình thường chỉ sau 7 – 10 ngày.
Ngày nay, khi nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây dược liệu, chính quyền đã thành lập nhiều hợp tác xã nhằm giúp bà con bảo tồn và phát triển những cây thuốc, bài thuốc quý và thực hiện dây chuyền sản xuất hiệu quả và khoa học hơn. Ông Phùng Đắc Tâm – giám đốc Công ty Cổ phần bảo tồn và phát triển được liệu Tản Viên cho biết: “Với niềm đam mê với cây thuốc quý của dân tộc, tôi đã cùng với ông Tiếp gây dựng nên vườn bảo tồn cây thuốc nam này, hiện nay chúng tôi đang lưu giữ khoảng 150 loài cây thuốc quý của đồng bào Dao và các dân tộc ở 63 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó có rất nhiều loại thuốc quý như: Đương Quy, Râu Hùm, Mẫu đơn hoa, Xạ Đen, Trà hoa vàng…bên cạnh mục đích bảo tồn chúng tôi cũng phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của khách du lịch và hỗ trợ đồng bào Dao Ba Vì bảo tồn và lưu giữ nguồn dược liệu quý phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh cho nhân dân”.
Bản người Dao giàu lên nhờ nghề thuốc nam
Không rõ đồng bào Dao biết nấu cao lá từ bao giờ chỉ biết rằng đây là Vị thuốc quý và đem lại sự khấm khá dần lên. Nhân ngày Ngày Quốc tế về Rừng 2023 với chủ đề: “Rừng và Sức khỏe”, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có dịp về thăm gia đình bà Dương Thị Xuân ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì. Bà là đời thứ 4 trong gia đình làm nghề thuốc, thông thạo các loại cây thuốc từ năm 13 tuổi.
Bà kể: “Khó mà kể hết những gian truân khi đi tìm dược liệu, bởi phải băng suối, vào sâu trong rừng mới tìm được thuốc quý. Nhiều khi tôi phải đi nửa tháng đến cả tháng mới tìm được đủ các loại thảo dược cho một bài thuốc. Có loại lấy lá, cành, loại lại lấy hoa, lấy rễ…, có cây mọc cao trên núi, cây lại mọc men theo bờ suối, nhiều loại lá chỉ có ở những thời điểm nhất định trong năm. Người tìm thuốc phải tinh tường, thuộc các loại dược liệu bởi nhiều loại cây có hình dáng tương tự, nếu không hiểu biết thì rất dễ nhầm lẫn”. 100kg dược liệu sẽ nấu được khoảng 8kg cao và mỗi chảo lá thuốc như vậy sẽ cho 1kg cao lá thành phẩm. Để dược liệu tiết ra hết tinh túy, người nấu phải thực hiện liên tục các khâu nấu, lọc trong 7 ngày 7 đêm, đồng nghĩa với từng đó thời gian không ngủ để đứng quấy thuốc liên tục, canh lửa cho đều.”
Trung bình mỗi năm, gia đình bà Yên nấu cao 3 lần, mỗi lần được trên 10kg cao thành phẩm. Giá trung bình 200 nghìn đồng/lạng. Có loại cao được tạo thành từ 15-20 loại cây thuốc, có loại phải kết hợp từ hơn 100 thảo dược thì mới đủ vị, dùng chữa bệnh, bồi bổ gan, dạ dày, thận, đại tràng… Đó là lý do nhiều người đặt tên “Cao bách thảo”. Đặc biệt, mỗi người Dao khi được truyền nghề thì đều được răn dạy phải làm thuốc bằng cái tâm của mình, bệnh nào chữa được thì nói chữa được, tuyệt đối không sai lời.
Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết: “Không chỉ ở xã Ba Vì, một số khu vực khác ở huyện Ba Vì từ lâu người dân đã chế biến cao lá từ các bài thuốc gia truyền nhằm chữa một số bệnh thông thường, bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay có khá nhiều loại cao được bán trên thị trường có nguồn gốc khác nhau. Do vậy, để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, mua các sản phẩm ở những địa chỉ có uy tín. Người sản xuất, kinh doanh cần đặt cái tâm của mình lên trên hết, không vì lợi ích của bản thân mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác”.
Từ năm 2008, UBND xã Ba Vì thành lập Hợp tác xã dịch vụ Thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả tri thức dân gian về nghề thuốc nam cũng như bảo tồn nhiều loài dược liệu quý và đưa nghề thuốc truyền thống này phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào. Đặc biệt, từ năm 2012, Công ty Cổ phần thuốc người Dao Ba Vì gồm những công ty nhỏ của cộng đồng người Dao (chiếm hơn 50% vốn) và do đồng bào góp vốn, góp đất, góp bí quyết bài thuốc, góp nguyên vật liệu xây dựng… chính thức đi vào hoạt động. Nhiều bài thuốc gia truyền được nghiên cứu một cách khoa học tại trường Đại học Dược Hà Nội rồi sau đó chuyển giao lại cho các lương y dưới dạng góp cổ phần. Người Dao tham gia như nhân viên công ty, hợp đồng trồng và cung cấp dược liệu cho công ty.
Hiện nay, trên địa bàn xã Ba Vì có 301 hộ kinh doanh hoạt động dịch vụ thuốc nam với các hình thức tổ chức kinh doanh: nhà thuốc gia truyền (1 nhà); hợp tác xã kinh doanh thuốc nam (24 hợp tác xã); còn lại là các hộ kinh doanh cá thể về thuốc nam, kinh doanh nguyên liệu cung cấp cho các nhà thuốc. Đặc biệt, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn đã đầu tư nhà máy sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP dưới sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu khoa học về dược liệu.
Trăn trở về rừng và lưu giữ về nghề
Không ai có thể phủ nhận được giá trị rừng đã mang lại. Không chỉ cân bằng hệ sinh thái, rừng là nơi cư trú của các loại động thực vật, tàng trữ nguồn gen quý. Ngăn chặn gió bão, giúp chống xói mòn. Đảm bảo sức sống cũng như bảo vệ sức khỏe con người. Triển vọng từ trồng cây dược liệu dưới tán rừng là rất lớn nhưng nó cũng đứng trước nhiều khó khăn. Nghề thuốc Nam của người Dao ở xã Ba Vì cũng đứng trước nhiều thách thức lớn khi nguồn nguyên liệu thiếu hụt, hiện số lượng cây thuốc giảm, thậm chí có những loại không còn tìm thấy do khai thác không quy hoạch.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao các thôn bản đã cố gắng nhân trồng các loại dược liệu nhưng kỹ thuật canh tác hạn chế nên năng suất, chất lượng chưa như mong muốn. Phát triển làng nghề từ trước đến nay chủ yếu là đồng bào tự thân vận động. Những người làm nghề thuốc Nam nơi đây giờ cũng chủ yếu người lớn tuổi, ít người trẻ. Những thách thức này đang đe dọa sự mai một của nghề thuốc Nam truyền thống, đồng bào dân tộc Dao dưới chân núi Tản Viên đang cố gắng từng bước thay đổi để thích ứng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức trong bảo tồn, phát triển nhưng Ba Vì xác định nghề thuốc Nam vẫn là lĩnh vực kinh tế quan trọng. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ những tổ chức, cá nhân mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến cây thuốc Nam tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu thị trường nhằm góp phần nâng cao đời sống của đồng bào người Dao ở Ba Vì. Đồng thời có những biện pháp, kế hoạch cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao nhân thức của người dân, làm sao để rừng phải nuôi được rừng, nuôi được người giữ rừng, rừng phải tạo được sinh kế cho người trồng và bảo vệ rừng.
Hà Linh