BVR&MT – Để tiếng cồng, tiếng chiêng, sắc màu trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS không bị mai một, nhiều năm nay, các cấp chính quyền ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) luôn phát huy vai trò của các già làng, Người có uy tín trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc.
Thổn thức với xưa cũ
Già Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trà Mai, già làng người Ca Dong có uy tín và hiểu biết nhiều về tập tục của đồng bào mình. Trong ký ức của già Phương, xã Trà Don những năm 1997 trở về trước, khi chưa tách ra khỏi xã Trà Mai có các ngôi làng của đồng bào nằm biệt lập với nhau. Làng nhiều dân cư nhất có đến 30 hộ. Những người Ca Dong xưa sống chung trong một căn nhà dài tựa như đoàn tàu, dù không phải là dòng họ hay cùng huyết thống. Mỗi làng là một căn nhà như thế, không vách ngăn, chỉ có những bếp lửa đánh dấu không gian của từng gia đình.
Già Phương cho biết, già đã chứng kiến biết bao đổi thay, thăng trầm của người Ca Dong. Ngày xưa, người Ca Dong chỉ biết làm nương, làm rẫy, làm ra hạt lúa, củ sắn để chia nhau ăn, bà con chung tay xây nhà, dựng làng, cùng nhau trồng trọt, săn bắt, quây quần nhảy múa vào các dịp Tết Máng nước, đâm trâu huê.
Già Phương còn say sưa kể lại những câu chuyện về văn hóa người Ca Dong, những ngôi nhà bề thế của người giàu có, những ché rượu cần cất trong gian buồng cúng, nghi thức chôn hạt gạo chọn đất dựng làng hay những hội trâu huê xuyên đêm… Trong lúc say mê kể chuyện, thi thoảng già Phương lại thức tỉnh chúng tôi với lời nhắc: “Cái đó là ngày xưa thôi!”.
Khi nghe địa phương đang tìm cách khôi phục lại trang phục truyền thống của người dân, già Phương không giấu được niềm vui mừng. Năm 2021, một hội thảo mang tên “Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc” đã được UBND huyện Nam Trà My tổ chức tại các xã, nhằm lấy ý kiến tham vấn của các vị già làng, Người có uy tín trên địa bàn huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện thực hiện Đề án khôi phục lại trang phục, trang sức truyền thống của cộng đồng người Xơ Đăng, Ca Dong, Bhnong.
Tại cuộc hội thảo này, già làng Nguyễn Thành Tiêu ở xã Trà Leng đã có những đóng góp hết sức có giá trị. Theo già Tiêu, việc phục dựng lại trang phục của người Bhnong không thể không thêm họa tiết, hình ảnh lá quế vào trong trang phục. Già Tiêu giải thích: Đối với cộng đồng người Bhnong sống tại Trà Leng, cây quế gắn bó từ lâu đời. Nhờ có cây quế mà bà con có được cuộc sống ấm no, dựng được nhà, sắm trâu bò, mua được chiêng, la…. Muốn trang phục truyền thống được khôi phục bài bản và gắn liền với đời sống của người dân thì nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng cần được quan tâm.
Giữ gìn và phát triển
Cùng niềm trăn trở ấy, già làng Y Xia (thôn 1, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) thì bảo, cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Ca Dong, vì nó thể hiện được bản sắc văn hóa, cũng như đời sống tâm linh của đồng bào. Mỗi năm cồng chiêng chỉ được đánh 2 lần vào dịp lúa mới và tỉa hạt, nhà có điều kiện hơn thì đánh tại rẫy quế để chào đón thần linh phù hộ mùa màng. Ở những làng xa, chiêng còn được mang ra để giao duyên, thể hiện tình cảm của các chàng trai đối với cô gái mà họ để ý. Còn lại nếu không có dịp gì đặc biệt thì cồng chiêng được treo, thờ ở trong nhà.
Theo ông Hồ Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho biết, hiện nay xã đã triển khai quyết liệt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong ở xã Trà Dơn. Ở cấp huyện, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Nam Trà Mi cũng thường xuyên quan tâm, nghiên cứu và hướng dẫn thực hiện công tác bảo tồn văn hóa các DTTS nói chung, cồng chiêng nói riêng. Từ việc lấy ý kiến của già làng, Người có uy tín làm cơ sở, trang phục của mỗi cộng đồng sẽ được phục dựng trên tinh thần dân chủ, sát với lịch sử và đời sống của người dân.
Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My, năm 2021, huyện đã nghiệm thu và bàn giao 2 bộ cồng chiêng cho các xã Trà Linh và Trà Leng, với kinh phí gần 189 triệu đồng. Mỗi bộ gồm 6 chiếc chiêng và 1 chiếc trống, tổng giá trị 2 bộ chiêng là 166 triệu đồng. Đây là năm thứ 2, huyện Nam Trà My triển khai việc bàn giao cồng chiêng cho các xã. Đặc biệt, việc bàn giao cồng chiêng kịp thời đã giúp các xã tổ chức tập luyện để tham gia các lễ hội.
Ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, việc tìm cách khôi phục lại cồng chiêng, cũng như trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện là việc làm cấp bách, nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể lâu đời của bà con.
Theo đó, UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 22/10/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, giao Phòng Văn hóa Thông tin huyện chủ trì phối hợp các xã tổ chức mở lớp dạy cồng chiêng cho nhân dân trên địa bàn, đến nay, đã hoàn thành việc giảng dạy tại 2 xã Trà Dơn, Trà Don.
Việc tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn giá trị nghệ thuật của cồng chiêng, giúp đồng bào, đặc biệt là các bạn trẻ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Từng bước khôi phục văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện Nam Trà My.
“Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục cân đối ngân sách, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của địa phương, nhất là nguồn từ Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 để phân bổ cho các xã. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đưa văn hóa cồng chiêng vào trường học để thể hệ trẻ tiếp cận sớm, không bỏ quên văn hóa truyền thống của đồng bào mình”, ông Nguyễn Thế Phước cho biết.