BVR&MT – Những làng quê thông minh, những thửa ruộng không dấu chân người… đã thành hiện thực ở Hải Dương.
Đó là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển mình, “thay máu” của nhiều vùng quê trong tỉnh nhờ xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Thành quả của hành trình xây dựng NTM bắt đầu từ sự “thay da đổi thịt” của chính những người nông dân. Từ những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”… nay nhiều người đã thành những nông dân @. Nhiều nơi, cơ giới hóa đã phát triển mạnh mẽ, thay thế toàn bộ sức người trên đồng ruộng. Như hàng chục mẫu ruộng ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) được canh tác hoàn toàn tự động từ làm đất, gieo hạt, bón phân… đến thu hoạch. Người nông dân chỉ cần bấm nút điều khiển.
Vụ này, 150 mẫu ở 3 xã Tứ Cường, Ngô Quyền, Lê Hồng (Thanh Miện) được Công ty CP Phát triển nông nghiệp Vàng xây dựng mô hình cánh đồng “không dấu chân”. Đây là một trong số ít mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại bậc nhất ở cả khu vực miền Bắc. Những thửa ruộng “không dấu chân” đang mang lại những làn gió mới cho sản xuất nông nghiệp của Hải Dương.
Ở nhiều vùng quê khác, cơ giới hóa, tích tụ ruộng đất cũng đã tác động, làm thay đổi hẳn tập quán, phương thức canh tác, tư duy sản xuất của người nông dân. Không chỉ trên đồng, mà trong chuồng trại, không chỉ dưới nước mà cả trên bờ, khoa học, kỹ thuật tiên tiến, máy móc, công nghệ tự động hóa đều đã tiếp cận, thay thế sức người.
Cuộc cách mạng 4.0 không chỉ tạo nên những đột phá trong khâu sản xuất, mà còn tác động mạnh mẽ tới khâu tiêu thụ. Người nông dân thời @ không còn thụ động chờ thương lái đến thu mua. Nhiều nông dân đã tự lập trang fanpage riêng để bán nông sản, sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất ra; nhiều hộ tham gia mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày 28.10.2021 đến ngày 6.3.2023, Hải Dương có 128.578 hộ sản xuất, kinh doanh đã đưa 1.077 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, xếp hạng 19 toàn quốc. Nhờ đó, nông sản của Hải Dương ngày càng được nhiều khách hàng ở mọi miền Tổ quốc và cả khách quốc tế biết tới. Và chính với cách bán hàng, quảng bá hiện đại ấy, ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành, vải thiều Hải Dương vẫn được kết nối, tiêu thụ thuận lợi…
Xuyên suốt hành trình hơn 10 năm xây dựng NTM, một điểm nhấn nổi bật của Hải Dương là tinh thần xây dựng NTM vì dân. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tỉnh phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng NTM. Khi người nông dân “lột xác” trong tư duy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, khai thác các chiều, tầng của giá trị đất đai, giá trị văn hoá vô hình từ sản phẩm, đã góp phần nhân đôi, nhân ba… giá trị canh tác, sản xuất. Và khi thu nhập nâng cao, nông dân không chỉ xây nhà cao cửa rộng cho gia đình mà còn có điều kiện góp công, góp của xây dựng cơ sở hạ tầng, làm thay đổi diện mạo làng quê.
Tất nhiên, ngoài yếu tố con người, để có những quả ngọt trong xây dựng NTM không thể không kể đến những “liều thuốc tăng lực” từ phía các cấp ủy, chính quyền. Mỗi nơi đều có những giải pháp, kế hoạch thực hiện phong trào riêng. Hằng năm, tỉnh và các địa phương đều có cơ chế đặc thù hỗ trợ, tạo vốn mồi cho các xã, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thiện các tiêu chí…
Trong phong trào xây dựng NTM của cả nước, Hải Dương nằm trong tốp 5 địa phương về đích đầu tiên. Nhưng quan điểm xuyên suốt của Hải Dương là chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc trong quá trình xây dựng NTM. Thực tế, sau khi hoàn thành xây dựng NTM, nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao, rồi NTM kiểu mẫu. Tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với nhiều mục tiêu cao hơn, xa hơn. Nên có thể chắc chắn rằng trong thời gian tới, nông thôn xứ Đông sẽ còn “thay máu” mạnh mẽ hơn, tạo nên nhiều “làn gió mới” ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.