Noi gương cha ông, chung tay bảo vệ rừng

Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng 21/3:

BVR&MT – Còn nhớ những tháng cuối năm 2020, một số tỉnh miền Trung đã chịu sự tàn phá rất nặng nề của các đợt bão lũ. Những trận mưa lớn chưa từng xuất hiện đã làm hàng chục người chết và gây ra rất nhiều thiệt hại về tài sản và vật chất. Điều đó làm cho nhiều người nghĩ rằng, phải chăng trước đây, có một thời gian chúng ta đã vô tình phá vỡ môi trường sinh thái bằng cách khai thác cây rừng hay xây dựng nhà máy thủy điện thiếu quy hoạch, dẫn đến hậu quả thiệt hại quá lớn như vậy?

Núi rừng Tuyên ở Tuyên Quang xưa.

Nhiều tài liệu địa lý ghi lại là đến năm 1945, cả nước ta vẫn còn 20 triệu hecta rừng, chủ yếu là rừng già tập trung ở miền Bắc và miền Trung nhưng thật đáng tiếc, hơn 70 năm qua, do áp lực dân số, chính sách khai hoang mở rộng bị lạm dụng nên hậu quả là rừng đã nhanh chóng bị mất đi.

Nhìn lại lịch sử ta thấy đối với người Việt xưa, họ rất tôn trọng, thậm chí rất tôn kính rừng. Sự tôn trọng về tinh thần của người dân đối với rừng, cộng thêm với việc luật pháp của nhà nước được thực thi nghiêm minh nên đã để lại trên mảnh đất này hàng chục triệu mẫu rừng già, góp phần bảo vệ cho môi trường sống của biết bao thế hệ cư dân của người Việt.

Khí hậu nước ta không năm nào là không có bão to, lũ lớn đe dọa, có năm gây ra nhiều thảm họa đau xót. Do đó, hàng trăm năm nay, tổ tiên ta rất tôn trọng tự nhiên, rất có ý thức bảo vệ núi rừng, sông biển, vun trồng vườn tược, cây cối quanh xóm, quanh làng… “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn” (tạm hiểu mùa xuân vạn vật sinh sôi, nảy nở; mùa hạ trưởng thành; mùa thu dừng lại; mùa đông ẩn giấu). Nhận rõ quy luật ấy của tự nhiên, của muôn loài nên các cấp nhà nước và cư dân các làng xã từ bao đời nay đã có nhiều việc làm tích cực để cho màu xanh của rừng núi, sông biển, làng quê luôn tươi thắm, yên bình.

Cảnh rừng Tây Nguyên xưa.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì cách đây gần 9 thế kỷ, vào năm 1126, vua Lý Nhân Tông (1072-1128) đã xuống chiếu “Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây”. Dưới triều Nguyễn, vào tháng 3 năm 1830 vua Minh Mạng (1820 – 1840) truyền chỉ cho các quan trị nhậm từ Nghệ An trở ra hãy khuyên bảo, động viên dân chúng tích cực trồng cây: “…Các quan sở tại phải sức khắp cho quân và dân ở trong thành, ở hai bên đường cái quan thì trồng cây mít, ở đê ven sông thì trồng cây liễu và phải thường xuyên vun bón, và bảo vệ cho cây được lớn…”. Mùa xuân năm 1834, trong Lễ tế giao năm đó, nhà vua đã ra sắc chỉ cho các hoàng tử theo hầu đạo ngũ mỗi người phải trồng 1 cây thông dọc theo ngự đạo thuộc trai cung trong khu vực Đàn Nam Giao Huế. Công việc này các năm về sau vẫn được duy trì và thực hiện rất hiệu quả.

Ở cấp làng xã, công việc trồng cây, bảo vệ cây lại càng được chú trọng. Điều này đã ăn sâu vào ý thức của mọi người dân và hơn thế nữa, đã được phát triển, được nâng lên thành thuần phong mỹ tục, thành lệ làng của nhiều dân tộc, nhiều địa phương. Câu thành ngữ Mồng 1 tết nhà; mồng 3 tết chuồng; mồng 4 ra vườn Tết cây đã chứng tỏ điều đó.

Các dân tộc Vân Kiều, Cơ Tu, Tà Ôi sống ở rừng núi dọc dải Trường Sơn từ Quảng Trị trở vào rất coi trọng việc bảo vệ rừng, dù trước đây nghề sống chính của họ là gieo trồng lúa, ngô trên nương rẫy và săn bắt, hái lượm. Dân các buôn làng phân rừng thành 3 loại: Rừng thiêng (được xem là nơi cư ngụ của thần linh, nơi có nhiều cây cao, bóng cả); rừng đầu nguồn (nơi giàu cây cối, muông thú) và rừng nghèo. Hai loại rừng trên không được xâm phạm, chỉ được đốt cây, làm rẫy ở rừng loại 3, nơi ít cây, ít thú. Một quy định khác: Chỉ được chặt cây để làm nhà, đóng thuyền, đóng quan tài và khi chặt phải đến xin phép buôn làng, chủ làng có đồng ý mới được làm. Không được chặt gỗ để làm hàng hóa, buôn bán.
Người vùng đồng bằng thì trồng tre quanh làng, trồng đa, trồng đề ở nơi đình miếu, chùa chiền; người sống ven sông, ven biển trồng các loại cây ngăn nước, chắn gió, chắn cát (sú, vẹt, bần, đước, phi lao, dứa dại…).. Điều này được ghi rõ trong hương ước của nhiều làng. Hương ước làng Cảnh Dương (Quảng Bình) soạn năm Cảnh Hưng thứ 28 (1768), điều 13 ghi:

“Chỗ Huyền Vũ (một rừng cây nằm ở động cát sau làng) là để trấn cho dân cư… Xã trưởng, khán thủ thấy người nào lén chặt phá cây cối thì bắt về giao nộp tại đình, làng theo khoán mà phạt heo 1 con, giá tiền xưa 1 quan 5 mạch…”. Hương ước làng Dương Nỗ (Thừa Thiên-Huế) chép: “Từ nay về sau, các bờ tre trong nội xã đều là để ngăn che, không được bẻ măng, nếu ai phạm thì thu tiền phạt 1 quan, 1 mạch, tái phạm bị đánh 30 roi, thưởng cho người bắt được (kẻ vi phạm) 1 quan”.

Qua đó ta thấy tổ tiên ta rất coi trọng thế giới tự nhiên, họ quan niệm thiên nhiên là bầu bạn của con người. Rừng núi, vườn tược, ruộng đồng… là nơi để cây cối tồn tại, nảy lộc đâm chồi, khai hoa, kết trái. Con người sống nhờ vào tự nhiên, mang ơn tự nhiên. Vì vậy, vun trồng và bảo vệ núi rừng, cây cối bao giờ cũng vậy, không chỉ là nghĩa vụ, là trách nhiệm mà còn là tình cảm bao la, sâu sắc, là lương tâm cao cả của con người dành cho thiên nhiên và cho chính cộng đồng của mình.

Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, ngày 28-11-1959, trên báo Nhân Dân, Bác Hồ với bút danh Trần Lực đã viết bài báo nhan đề Tết trồng cây để phát động trồng cây trong toàn Đảng, toàn dân nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tạo thêm nhiều mảng xanh cho đất nước. Bác viết: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”.

Từ đó trở đi, mỗi khi mùa Xuân đến, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây theo lời Bác.Tết trồng cây đã trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân trong những dịp Tết đến Xuân về.

Bác Hồ trồng cây tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16-2-1969( Ảnh: Tư liệu)

Tôn Thất Thọ

Tags:
CHIA SẺ