BVR&MT – Để không xảy ra trường hợp có quận làm, có quận không, nơi quyết liệt, nơi không, Công an Thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, xem xét, trách nhiệm từng nơi.
Chiều 9/3, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội của UBND TP. Hà Nội, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Dương Đức Hải cho biết, Công an Thành phố đã chuẩn bị các giải pháp để tham mưu cho BCĐ 197 duy trì thường xuyên liên tục, việc “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, để người dân ý thức về “vỉa hè không phải là nơi kinh doanh buôn bán” và việc tuyên truyền này phải làm một cách bền bỉ.
Trước đó, ngày 15/02/2023, Ban chỉ đạo 197 Thành phố đã ban hành Kế hoạch Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 với phương châm lập lại trật tự đô thị “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.
Kế hoạch được chia làm 3 giai đoạn cụ thể, gồm: Giai đoạn 1: Tuyên truyền trước khi ra quân tổng kiểm tra; Giai đoạn 2: Ra quân tổng kiểm tra, xử lý; Giai đoạn 3: Kiểm tra, duy trì, không để tái diễn vi phạm.
Ngoài việc tuyên truyền và xử lý cứng rắn, công an Thành phố sẽ có giải pháp tham mưu cụ thể như chợ cóc phải vào chợ chính; điều chỉnh quy hoạch các điểm đỗ. Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội phân tích thêm, việc lập lại trật tự đô thị sẽ ảnh hưởng đến mưu sinh của rất nhiều người đang bám vỉa hè kiếm sống hằng ngày.
“Chúng tôi đang khảo sát, đánh giá. Nếu chỉ nhìn qua thì sẽ thấy con số rất lớn. Tuy nhiên, số lượng thực tế không nhiều. Với các cửa hàng kinh doanh lớn, lực lượng chức năng sẽ cương quyết yêu cầu không lấn chiếm vỉa hè, các cửa hàng tạp vụ mất mỹ quan đô thị phải sắp xếp gọn gàng. Chợ cóc phải chuyển vào các chợ chính; với trường hợp một số hộ kinh doanh trà đá, Công an Thành phố phải có khảo sát, đánh giá, từ đó để đề xuất cụ thể để đưa vào các ngõ nhằm sắp xếp lại trật tự đô thị ở các phố chính”, ông Hải cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, vừa rồi một số quận đã vào cuộc rất tốt, tuy nhiện một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt, “nơi quyết liệt, nơi thì thụ động”. Ví vậy, Công an Thành phố sẽ là đơn vị tham mưu chính để phân công rõ người, rõ trách nhiệm, sau này mới rõ đơn vị làm tốt, đơn vị nào chưa tốt.
Để không xảy ra trường hợp có quận làm, có quận không, nơi quyết liệt, nơi không, Công an Thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp quay phim, chụp ảnh, xem xét, trách nhiệm từng nơi.
Liên quan đến dư luận phản ánh về dẹp vỉa hè có thể ảnh hưởng đến người lao động mưu sinh kiếm sống, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội Dương Đức Hải cho biết: “Chúng tôi đánh giá thực tế số người bám vỉa hè mưu sinh không nhiều, hầu hết là các cửa hành kinh doanh thì sắp xếp lùi vào trong; với các cửa hàng tạp vụ khác sắp xếp gọn lại”.
“Với các hàng trà đá vỉa hè, từ thực từng địa phương, mỗi khu dân cư, tổ dân phố sẽ xem xét bố trí, đưa các hàng này vào ngõ sao cho gọn gàng; nhất là ở các tuyến phố chính”, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nêu rõ.
Cũng theo ông Hải, trong đợt này, thành phố sẽ ra quân quyết liệt, có chiều sâu; CATP cũng tham mưu các giải pháp cụ thể với phương châm: “rõ người, rõ việc, rõ chức năng, rõ nhiệm vụ và rõ cả người chịu trách nhiệm”; việc triển khai Thực hiện bền bỉ, có lộ trình, từng bước để thực hiện phải thành công.
Thường vụ Ban Giám đốc CATP có bàn bạc kỹ càng và xác định việc lấy lại vỉa hè phải hết sức quyết liệt, triển triển khai bền bỉ. CATP sẽ tham mưu rất kỹ để có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành, rõ trách nhiệm từng cá nhân đơn vị./.