BVR&MT – Nhờ tập trung nguồn lực kinh tế và thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đến nay, tỉnh Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo.
Giai đoạn 2010-2015, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh hỗ trợ thêm 70.000 đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn). Toàn tỉnh có 39.426 hộ dân, với 157.914 nhân khẩu được hỗ trợ tổng số tiền 28,2 tỷ đồng.
Từ năm 2021, Quảng Ninh bắt đầu thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Từ khi thực hiện chương trình này đến nay, tỉnh đã phân bổ gần 250 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay chương trình giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Qua đó, toàn tỉnh có 3.320 hộ dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn thuộc diện hộ nghèo không có khả năng lao động ở khu vực nông thôn được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người. Tỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp trong các cơ sở trợ giúp xã hội từ 500.000 đồng lên 650.000 đồng/người/tháng; bổ sung đối tượng người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động vào đối tượng hưởng trợ giúp xã hội…
Cuối năm 2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về quy định chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2022-2025. Theo đó, người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Đây là chính sách quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật cho người dân khu vực này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Chính quyền cấp huyện ở một số địa phương ban hành nhiều chính sách riêng để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo. Điển hình hai huyện Đầm Hà và Ba Chẽ thực hiện chính sách tặng thưởng 500.000 đồng/hộ mới thoát nghèo năm đầu tiên, tặng thưởng 300.000 đồng/hộ năm thứ 2 không tái nghèo.
Dự kiến, tại kỳ họp thứ 13 – kỳ họp chuyên đề diễn ra vào cuối tháng 3/2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh sẽ thảo luận, xem xét, ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2023 – 2025) theo hướng nâng cao hơn mức chuẩn nghèo quy định của Trung ương, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng để tạo bước ngoặt trong việc thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn.