BVR&MT – Từ bao đời nay, phụ nữ dân tộc Dao đều coi trọng việc ăn mặc, cách chọn hoa văn thêu lên trang phục thể hiện những khát vọng sống, tâm tư và tình cảm của người thêu. Trang phục truyền thống được đồng bào gìn giữ và mặc trong đời sống hằng ngày, nhất là nữ giới.
Người Dao ở Quảng Ninh có 3 nhóm: Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán sống ở Uông Bí, Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và Dao Lô Gang ở xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ.
Phụ nữ Dao có cách thêu rất độc đáo, không theo khuôn mẫu mà theo trí nhớ và sự tưởng tượng của mỗi người. Họ thường thêu quanh năm, tranh thủ mỗi lúc nông nhàn. Những họa tiết trang trí cổ áo, tay áo, từng lớp vải để tạo nên chiếc khăn đội đầu rực rỡ, đều được thêu rất tỉ mỉ, có khi đến cả năm mới xong.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, tác giả cuốn sách “Người Dao Quảng Ninh”, trang phục truyền thống của người Dao có nhiều nét độc đáo, mang đậm dấu ấn thủ công và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân mỗi vùng. Khó nhất khi thêu hoạ tiết trên áo, đó thường là hình sông núi, sóng nước. Trang phục truyền thống của đàn ông người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán thường đơn giản và không khác nhau là mấy. Đó là áo ngắn màu đen thêu chim chóc, cỏ cây, hoa lá, hai bên thân áo có may túi, cổ áo cao, nẹp ngực to, đính nhiều khuy được tết bằng vải.
Ngược lại, đối với phụ nữ, trang phục phong phú, sặc sỡ và nhiều hoa văn hơn. Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y là sự kết hợp của nhiều màu sắc như xanh, đỏ, vàng, đen, trắng… Nổi bật nhất là các họa tiết hoa, lá, chim, sao… được thêu bằng chỉ len nhiều màu ở vạt áo, vai áo, đai thắt lưng. Mũ đội đầu, yếm ngực cũng được trang trí nhiều họa tiết màu sắc sặc sỡ.
Một bộ trang phục của người phụ nữ Dao Thanh Phán cũng khá cầu kỳ. Hai gấu quần được thêu khá tỉ mỉ, hoa văn trang trí trên trang phục được thêu bằng chỉ thêu ngũ sắc, hình chim muông, hạt giống, trong đó màu đỏ là màu chủ đạo, thể hiện sự gần gũi, giao hòa với thiên nhiên, đất trời.
Điểm đặc biệt trong trang phục nữ Dao Thanh Phán là hoa văn được thêu tay khá cầu kỳ, thể hiện trình độ thẩm mỹ cũng như trí tuệ. Nổi trội hơn cả là họa tiết hình chân chó, biểu tượng Bàn Vương (long khuyển, con chó mình rồng). Họ thêu với một quan niệm rằng tổ tiên luôn đi theo để phù hộ, tránh mọi tai ương, bất trắc. Cùng với đó, người Dao Thanh Phán có niềm tin là khi mặc trên mình bộ áo rực rỡ sắc màu khiến các con thú dữ nhìn thấy sẽ tránh đi, không làm hại đến mình.
Bên cạnh đó, các họa tiết hoa văn phản ánh đời sống văn hóa của người Dao như: Hình lưỡi bừa, con đường, con chim, súng, ruột chó, cây sâm, mặt trời, con người, cầu vồng, cây hẹ, hoa đậu đũa, hạt dưa, lá cây…
Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Phán Quảng Ninh ở mỗi nơi thì lại có chút khác biệt. Phụ nữ Dao Thanh Phán ở Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu thường cạo trọc đầu, đội mũ hình hộp chữ nhật xếp bằng nhiều lớp vải. Còn phụ nữ Dao Thanh Phán ở Hạ Long có áo tương đối ngắn, ít hoa văn, may hơi mở ngực, thêu thêm chim công ở vạt trước. Dây lưng cũng vậy, nếu ở Tiên Yên nó được làm bằng vải in hoa thì ở Hạ Long lại được làm bằng lụa nhiều màu chập lại…
Phụ nữ Dao Thanh Phán ở Ba Chẽ không dùng mũ hộp mà vấn một mảnh vải dài hình chữ nhật màu chàm hoặc màu xanh. Đi cùng với khăn là dây hạt cườm quấn từ đỉnh đầu đến cằm. Dây lưng màu đỏ hoặc màu xanh quấn qua vòng eo thắt nút đằng sau.
Phụ nữ Dao phải diện trang phục truyền thống đến dự lễ cưới. Cô dâu nổi bật với trang phục gồm mũ có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ trùm kín lên chiếc nón và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo, tựa như một tác phẩm nghệ thuật. Khi thiếu nữ đã thêu đủ áo quần rồi thì mới được phép lập gia đình.
Người Dao Lô Gang ở Ba Chẽ sống tập trung tại xã Lương Mông. Trang phục của họ nổi bật với sắc vàng, sắc cam cùng những họa tiết hình con chim, cây thông. Phụ nữ Dao Lô Gang dùng yếm thêu hoa văn, gắn các ngôi sao bằng bạc. Thắt lưng màu trắng thêu hoa văn đen hình cành cây, đầu đội mũ hình mái nhà, quấn quanh mũ bằng dây hạt cườm đủ màu sắc.
Người Dao Lô Gang có cách thêu rất độc đáo, với 5 màu cơ bản, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao Lô Gang, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn và tạo ra năng lượng tích cực cho con người.
Nhìn chung, những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Quảng Ninh thể hiện bản sắc văn hóa đậm đà, cần tiếp tục được bảo tồn và phát triển trong nhịp sống đương đại.