BVR&MT – Một nhóm các nhà khoa học vừa tiến hành giải phẫu hóa thạch gấu nâu cái được bảo quản gần như nguyên vẹn, có niên đại gần 3.500 năm.
Hóa thạch gấu được những người chăn tuần lộc phát hiện năm 2020 khi nó nhô ra khỏi lớp băng vĩnh cửu trên đảo Bolshoy Lyakhovsky thuộc quần đảo New Siberian, cách thủ đô Moscow của Nga khoảng 4.600km về phía đông.
Do được tìm thấy ở khu vực phụ cận sông Bolshoy Etherican, con gấu này được các nhà khoa học đặt tên là gấu nâu Etherican.
Nhiệt độ khắc nghiệt đã giúp bảo quản mô mềm của nó trong suốt 3.460 năm. Con gấu được mô tả cao 1,55m và nặng gần 78kg.
“Phát hiện này vô cùng độc đáo: toàn bộ xác của một con gấu nâu cổ đại” – Maxim Cheprasov, trưởng phòng thí nghiệm tại Bảo tàng voi ma mút Lazarev thuộc Đại học liên bang Đông Bắc ở Yakutsk, miền đông Siberia cho biết.
Theo ông Cheprasov, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tiếp cận một hóa thạch động vật với các mô mềm, cho phép tiến hành các nghiên cứu nội tạng và kiểm tra vùng não.
Trong quá trình giải phẫu, nhóm các nhà khoa học ở Siberia đã cắt xuyên lớp da cứng rắn của con gấu, thấy được lớp mô màu hồng và lớp mỡ màu vàng.
Sau đó, họ tiến hành kiểm tra não và các cơ quan nội tạng của nó, đồng thời thực hiện một loạt nghiên cứu về tế bào, vi sinh, virus học và di truyền.
“Kết quả phân tích di truyền cho thấy, loài gấu này không khác biệt về DNA ty thể so với loài gấu hiện đại sinh sống ở vùng đông bắc nước Nga – Yakutia và Chukotka” – ông Cheprasov nói.
Ông cho biết, con gấu khoảng 2-3 tuổi, chết vì chấn thương cột sống. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bằng cách nào mà con gấu lại xuất hiện trên một hòn đảo bị chia cách với đất liền bởi một eo biển dài 50km.
Theo suy đoán của các nhà khoa học, nó có thể đã di chuyển trên mặt băng, hoặc có thể đã bơi qua hoặc khi đó hòn đảo vẫn là một phần của đất liền.