BVR&MT – Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam; Tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở… là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 13 – 17/2/2023.
Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Các địa phương chưa triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân phải nghiêm túc kiểm điểm việc chậm ban hành Kế hoạch, chậm tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các đoàn công tác để theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thường xuyên cập nhật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên trang website lấy ý kiến nhân dân; tiến độ tổ chức lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành và địa phương; Tập trung mọi nguồn lực để tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân, giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm chất lượng, thời gian trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khắc phục hậu quả TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Công điện số 43/CĐ-TTg ngày 14/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Nam.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của Tỉnh:
– Huy động mọi phương tiện, nhân lực để tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện trong vụ tai nạn; bố trí điều kiện tốt nhất về y tế để cứu chữa những nạn nhân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn.
– Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông; khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm gây ra vụ tai nạn.
Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt kiểm soát và xử lý nghiêm đối với hành vi chở quá số người quy định, kể cả xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải khi để xảy ra vi phạm, không để xảy ra các sự việc tương tự.
Tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở
Chính phủ ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Cụ thể, bổ sung khoản 7 vào Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP như sau: Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023:
Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định tại khoản 7 này thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3.
Thay đổi thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Ngày 13/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 4/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong đó, Nghị định 4/2023/NĐ-CP sửa đổi thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động kiểm định. Theo đó, thay vì gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 1 bộ hồ sơ đăng ký cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Nghị định mới quy định cụ thể:
Tổ chức có nhu cầu cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định đến Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào các quy định, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thẩm định, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có văn bản trả lời cho tổ chức có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định và nêu rõ lý do.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào các quy định, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thẩm định, trình Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có văn bản trả lời cho tổ chức có nhu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định và nêu rõ lý do.
Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 3/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Theo Quyết định, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, khảo sát trong đó có 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau.
Tập trung nguồn lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4”.
Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong năm 2023.
Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Về mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2030 là 10%/năm, cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3 – 4%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 47 – 48%; dịch vụ chiếm khoảng 38 – 39% và Thuế sản phẩm 9 – 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 – 20.000 USD.
Tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 87/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Mục đích của Kế hoạch là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định pháp luật có liên quan và các nội dung của Kế hoạch quốc gia về triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT).
Bên cạnh đó, xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Từ đó, góp phần nâng cao sự thụ hưởng của người dân đối với các quyền về sức khỏe, thân thể, đặc biệt là không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.