BVR&MT – Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2 ha trở lên đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đã và đang triển khai (trong đó, khoảng 98 dự án cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khoảng 168 dự án chưa hoàn thành).
Thực tế khẳng định, một số khu đô thị, khu nhà ở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, các dự án nhà ở thu nhập thấp được phát triển hài hòa với các dự án nhà ở thương mại, bảo đảm cho người dân được hưởng các lợi ích từ phúc lợi công cộng và hạ tầng xã hội của khu vực đô thị.
Tuy nhiên, qua giám sát gần đây của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, các Ban HĐND thành phố và qua ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh, việc triển khai đầu tư xây dựng các khu nhà ở, khu đô thị vẫn còn một số tồn tại, bất cập, thậm chí có những hạng mục dự án đã được kiểm tra, giám sát, tồn tại nhiều năm nhưng xử lý chưa hiệu quả, chậm chuyển biến.
Điển hình, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu (trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí…) chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá đầu tư và xử lý đối với các dự án này còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố cũng như các chương trình công tác của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, lĩnh vực; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và đề xuất các biện pháp khắc phục.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, trong quý I/2023, UBND các quận, huyện, thị xã phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá thực trạng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn, trên cơ sở đó đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế chính sách, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị.
Đối với các ô đất xây dựng công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa nhưng chưa thực hiện việc lựa chọn chủ đầu tư, UBND các quận, 2 huyện, thị xã khẩn trương tổ chức lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (trong đó, đề xuất cụ thể hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất), gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức thẩm định, báo cáo UBND thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư; hoàn thành trong quý 2/2023.
Lãnh đạo thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát lại việc bố trí các quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đối chiếu với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan để nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các quỹ đất này (trong trường hợp còn thiếu) trong quá trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Đáng chú ý, khi thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở phải đảm bảo bố trí dù tỷ lệ quỹ đất dành để xây dựng các công trình công cộng. công trình hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân tại dự án và khu vực xung quanh, đảm bảo các yêu cầu theo quy hoạch phân khu đô thị, quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD và các quy chuẩn, tiêu chuẩn khác có liên quan; không bố trí quỹ đất xây dựng các công trình này vào các vị trí khó thực hiện giải phóng mặt bằng…
Đối với việc lập, thẩm định quy hoạch các khu chung cư cũ, các dự án di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi các khu vực đông dân cư cần cân đối quỹ đất, dành tỷ lệ diện tích đất hợp lý cho việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng khác, góp phần cải thiện không gian kiến trúc cảnh quan, môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Cũng theo chỉ đạo của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm chính trong việc thường xuyên theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư, đảm bảo tiến độ, phù hợp với quy hoạch và nội dung của dự án đã được phê duyệt. Đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, không triển khai hoặc chậm triển khai đầu tư xây dựng các công cộng, công trình hạ tầng xã hội, vi phạm các quy định về đầu tư, đất đai, kịp thời báo cáo UBND thành phố xem xét, thu hồi đất, thu hồi dự án để tổ chức lựa chọn chủ đầu tư khác hoặc giao UBND cấp huyện thực hiện đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách.
Thành phố đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp không chấp hành các quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư và chế độ báo cáo thống kê. Đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất mà quá thời hạn triển khai, Sở căn cứ quy định của pháp luật xem xét, đề xuất UBND thành phố thu hồi.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai, còn nợ nghĩa vụ tài chính, hoàn tất hồ sơ thanh tra, kiểm tra để xử lý. Trường hợp vi phạm đến mức phải thu hồi đất, thu hồi dự án, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.