BVR&MT – Huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) là một trong những địa phương còn lưu giữ được khối di sản kiến trúc cùng nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống với gần 1.500 lò gạch mái vòm còn nguyên vẹn hoặc một phần nằm dọc các bờ sông.
Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn các lò gạch này, tạo sản phẩm du lịch đặc thù và góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng thu nhập cho người dân địa phương.
Vĩnh Long đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án. Đây được xem là tiền đề tạo sự đồng thuận trong nhân dân để cùng duy trì, quản lý lò gạch, gốm và hình thái không gian xung quanh, hướng đến việc triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít đi vào thực tế. Cụ thể, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha thuộc 4 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm khoảng 5.000 ha thuộc 2 xã An Phước và Chánh An sẽ thuộc phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án. Tỉnh ban hành mức hỗ trợ cho người dân, cụ thể: Lò loại 1 (những lò còn nguyên vẹn) sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/lò; lò loại II (những lò đã hư hại hoặc phá dỡ một phần, độ cao từ 5 m trở lên) là 10 triệu đồng/lò; lò loại III (những lò chỉ còn là phế tích, chân lò, độ cao dưới 5 m) được hỗ trợ 5 triệu đồng/lò.
Chính sách này được thực hiện trong thời gian 1 năm và hỗ trợ 1 lần 100% mức hỗ trợ đối với từng loại lò; đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn ban đầu thực hiện Đề án bởi nghề sản xuất gạch, gốm nơi đây đang gặp khó khăn. Nhiều lò gạch, gốm ngưng hoạt động trong thời gian dài đã hư hỏng hoặc bị phá dỡ, ảnh hưởng đến mật độ lò và hình thái không gian theo Đề án. Qua khảo sát, trong vùng di sản có hơn 1.400 lò gạch, gốm; tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 800 lò còn nguyên, hơn 500 lò đã bị hư hỏng, bị phá dỡ một phần hoặc còn phế tích. Vì vậy, chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tiếp sức, tạo sự đồng thuận để người dân gìn giữ lò gạch, gốm, không tháo dỡ xây các công trình mới trong thời gian chờ Đề án được triển khai.
Qua khảo sát tại xã Mỹ Phước (huyện Mang Thít) cho thấy, có khoảng 90 lò sản xuất gạch, gốm nằm trong vùng di sản theo Đề án. Ngay khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân giữ lò, Ủy ban nhân dân xã đã thông tin đến người dân; đồng thời, lập danh sách, chuẩn bị các bước để triển khai. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Phước Trần Thị Hồng Ánh cho biết, những năm gần đây, do tình hình giá nguyên liệu tăng cao, việc tiêu thụ gạch gặp khó khăn nên số lượng lò nung gạch truyền thống giảm rõ rệt. Việc giữ lò cũng gặp khó khăn do nhiều người dân dần chuyển đổi sang ngành nghề khác, phá bỏ các lò truyền thống. Việc tỉnh kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ đã động viên, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Nhiều hộ dân phấn khởi khi được hỗ trợ, cam kết giữ các lò và kỳ vọng Đề án Di sản đương đại Mang Thít sớm được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống.
Gắn bó với nghề sản xuất gạch từ năm 1980 đến nay, gia đình ông Trương Văn Tống (xã Mỹ Phước) đã chứng kiến quá trình “thịnh – suy” của làng nghề. Gia đình có 3 lò gạch nhưng những năm gần đây do tình hình sản xuất khó khăn nên chỉ còn duy trì hoạt động của một miệng lò. Ông Trương Văn Tống chia sẻ, hiện nay việc sản xuất gạch gốm đang đối mặt với nhiều thách thức. Để có thể giữ lò và phát triển theo hướng của Đề án, địa phương cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế cho người dân, nhất là các ngành nghề bổ trợ cho ngành du lịch. Mọi người kỳ vọng Đề án Di sản đương đại Mang Thít sẽ giúp bảo tồn được nghề cha ông để lại và phát triển theo hướng mới, mang lại cuộc sống tốt hơn cho bà con làng nghề.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, Đề án Di sản đương đại Mang Thít hướng đến mục tiêu tạo sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc thực hiện Đề án đòi hỏi có thời gian chuẩn bị, triển khai theo từng bước để tạo sự đồng thuận và cùng tham gia của người dân. Do đó, việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án có ý nghĩa quan trọng, nhằm hỗ trợ một phần kinh phí để người dân giữ lại các lò gạch truyền thống, giữ hiện trạng cho vùng di sản trong tương lai. Khi Đề án đã được triển khai thực hiện và có nhà đầu tư tham gia, người dân trong vùng di sản có điều kiện đưa những lò gạch truyền thống của gia đình vào hoạt động du lịch, hướng đến mục tiêu chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Ông Phan Văn Giàu cho biết thêm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang phối hợp với các địa phương triển khai đúng và kịp thời các nội dung của chính sách hỗ trợ bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án. Song song đó, ngành cũng chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tập trung thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và các công đoạn tiếp theo để đưa Đề án đi vào thực tế; phối hợp các địa phương trong vùng dự án tiếp tục tuyên truyền để người dân đồng thuận cùng triển khai thực hiện; khuyến khích, tạo diều kiện thu hút khách du lịch đến tham quan địa phương. Ngành tổ chức tập huấn để người dân từng bước làm quen, hướng đến phát triển mô hình du lịch cộng đồng, sản xuất và bán sản phẩm đặc trưng của làng nghề… tạo nền tảng phát triển khi Đề án Di sản đương đại Mang Thít được triển khai và đi vào cuộc sống.