BVR&MT – Theo kế hoạch, trong dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, huyện Thanh Sơn phấn đấu trồng 60,45 nghìn cây phân tán, 148ha rừng tập trung nhằm đẩy mạnh phong trào trồng cây, gây rừng, phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc, bảo vệ tài nguyên rừng; tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị và nhân dân các dân tộc trong huyện ngay từ những ngày đầu Xuân mới; góp phần bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng, hiệu quả của rừng.
Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn, những năm qua, huyện Thanh Sơn có nhiều giải pháp đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại huyện Thanh Sơn đã chuyển đổi được gần 2.500ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Để đảm bảo chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn cũng như chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, UBND huyện Thanh Sơn xây dựng kế hoạch cụ thể, giao cho Hạt Kiểm lâm và các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nhân dân chăm sóc, bảo vệ rừng để cây phát triển tốt, hình thành rừng cây gỗ lớn.Hơn bảy năm trước, gần 10ha đất đồi rừng của gia đình anh Hà Ngọc Quyến, xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn chủ yếu trồng sắn và một số cây bản địa, giá trị kinh tế không cao. Năm 2017, thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi diện tích vườn tạp sang phát triển rừng cây gỗ lớn, gia đình anh mạnh dạn đưa giống cây keo hạt ngoại, cây mỡ vào trồng. Đến nay, sau hơn sáu năm trồng, diện tích rừng của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, trong đó có khoảng bốn ha đã chuẩn bị cho thu hoạch kỳ đầu tiên. Anh Quyến chia sẻ: “Trước đây cuộc sống gia đình tôi còn nhiều khó khăn. Sau khi được sự vận động của chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để chuyển sang trồng rừng, trong đó có khoảng 2/3 trồng rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư nuôi thêm gia súc, gia cầm dưới tán rừng để có thêm nguồn thu hàng năm”.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch trồng cây, trồng rừng năm 2023, huyện Thanh Sơn đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn, các xã, thị trấn rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp, thực hiện các bước khảo sát thiết kế, xử lý thực bì, quốc hố, chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư phân bón, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu cây giống hoặc cây không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn lựa chọn giống, cơ cấu cây lâm nghiệp phù hợp với từng vùng; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ cây rừng sau trồng để đảm bảo tỉ lệ cây sống cao, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đi đôi với tích cực trồng cây, gây rừng, huyện chỉ đạo làm tốt công tác chăm sóc rừng trồng, bảo vệ rừng tự nhiên, đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng của huyện đạt kết quả cao.
Ông Phan Văn Sơn – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Sơn cho biết: Những năm gần đây, bên cạnh việc vận động bà con thực hiện tốt Tết trồng cây, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng, Hạt cũng phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng thường sang trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng.