BVR&MT – Sáng 4/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2033. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị.
Trình bày báo cáo Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022, mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế – xã hội nước ta đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, ước cả năm cả nước đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ước cả năm khoảng 3,15%. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02% (mục tiêu là 6-6,5%).
“Đạt được kết quả nêu trên là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các Bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương; trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với chức năng là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu ra những hạn chế trong năm 2022 như: do phải thực hiện một khối lượng lớn các đề án, báo cáo nên vẫn còn một số đề án, báo cáo hoàn thành chưa đúng hạn theo yêu cầu. Bên cạnh đó, một số đề án, báo cáo có nội dung phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực cần phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, nhưng việc trả lời góp ý, thẩm định của một số bộ, ngành lại chậm trễ cũng làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ.
Bên cạnh đó, việc chỉ đạo nghiên cứu thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn ở các vùng, các địa phương, cơ sở, nhất là những mô hình mới, những nhân tố mới xuất hiện ở trong nước để tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước và Chính phủ tuy đã được quan tâm tuy nhiên thời gian trực tiếp đi công tác để nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương, cơ sở còn hạn chế. Sự phối hợp công tác, nhất là trong việc xử lý các đề xuất của địa phương và doanh nghiệp tại các đơn vị vẫn là vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm…
Để phấn đấu phát huy tối đa các mặt tích cực, kết quả đạt được trong những năm qua và khẩn trương, kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập, quyết tâm nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của ngành kế hoạch và đầu tư, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế trong công tác tham mưu, tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào 16 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng; đó là, tiếp tục cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ khẩn trương ban hành ngay chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo sát sao, đôn đốc việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, báo cáo theo Chương trình công tác đã đăng ký, phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong thực thi công vụ, bảo đảm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 đã đề ra.
Mặt khác, Bộ sẽ tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để kịp thời tham mưu điều chỉnh, xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quản lý đầu tư công, rà soát, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các mục tiêu dài hạn về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, tiếp tục đặt trọng tâm vào tháo gỡ các rào cản để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế. Thúc đẩy các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26, lồng ghép các mục tiêu về phát thải khí nhà kính vào các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập thị trường theo quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp với địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; có các giải pháp tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động trong xây dựng nội dung và chủ trì tổ chức các cuộc họp Tổ điều phối kinh tế vĩ mô nhằm kịp thời phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới (tăng trưởng, tỷ giá, giá cả, lạm phát, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, các đối tác chủ yếu….) cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước; đánh giá các tác động cũng như triển vọng của nền kinh tế Việt Nam và đề xuất, kiến nghị các kịch bản ứng phó, các giải pháp kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.