BVR&MT – Xuất khẩu khỉ ở Campuchia vẫn đang tiếp diễn trong khi các quan chức nước này đang đối mặt với cáo buộc về buôn bán động vật hoang dã của Mỹ.
Ông Masphal Kry – Phó giám đốc cơ quan quản lý động vật hoang dã và đa dạng sinh học của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia vừa bị bắt 16/11 tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy ở New York khi ông này đang di chuyển tới Panama để tham dự một hội nghị quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã.
Ông Kry bị cáo buộc buôn lậu loài khỉ hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng vào Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, Kry là một trong tám người bị buộc tội tham gia “đường dây buôn lậu linh trưởng xuyên quốc gia” trong đó có cả Giám đốc Cục Quản lý Lâm nghiệp Campuchia và chủ sở hữu, giám đốc điều hành và bốn nhân viên của Tập đoàn Vanny Resources and Bio Research.
Đường dây buôn lậu này bị cáo buộc là một phần của ngành buôn bán động vật hoang dã trị giá hàng tỷ đô la toàn cầu và Campuchia từ lâu đã bị nghi ngờ về hoạt động buôn bán khỉ hoang dã trá hình buôn bán khỉ nuôi nhốt hợp pháp.
Theo các tài liệu của tòa án Hoa Kỳ, các khoản hối lộ cho các quan chức của Bộ trong những năm qua lên tới hàng chục nghìn đô la, trong đó ghi nhận khoản đóng góp khổng lồ từ Vanny Bio Research cho Đảng chính trị cầm quyền của Campuchia theo yêu cầu của Tổng giám đốc hiện đang bị truy tố.
Trong khi chính phủ Campuchia vẫn giữ im lặng, các nhà bảo tồn tự hỏi liệu các cáo buộc này có thể tạo ra sự thay đổi gì không. Các nhà linh trưởng học lo ngại rằng các hệ sinh thái thiếu vắng loài khỉ có thể gây ra những tác động đáng lo ngại đến các khu rừng ở Đông Nam Á.
Khỉ đuôi dài được xem là loài linh trưởng bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới để phục vụ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trong đó có quá trình phát triển vắc-xin Covid-19. Khỉ đuôi dài từ tình trạng “dễ bị tổn thương” đã bị đưa vào danh sách “có nguy cơ tuyệt chủng” trong Sách Đỏ IUCN, theo đó mối đe dọa hàng đầu với loài này là “sử dụng vì mục đích sinh học”.
Campuchia xuất khẩu khỉ đuôi dài sang Mỹ từ năm 2000 và ngành công nghiệp này đã bùng nổ kể từ thời điểm đó. Một cơ sở dữ liệu thương mại do Liên Hợp Quốc quản lý ghi nhận hơn 100.000 cá thể khỉ xuất khẩu được kê khai.
Che giấu các cáo buộc
Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo về vụ bắt giữ Kry, đồng thời đưa ra các cáo buộc đối với ông – Omaliss Keo, Giám đốc Cục Quản lý Lâm nghiệp Campuchia. Một bản cáo trạng khác cũng được đưa ra đối với sáu nhân viên của Vanny Resources and Bio Research, bao gồm người sáng lập và chủ sở hữu Tập đoàn James Man Sang Lau, Tổng Giám đốc Dickson Lau, Phó tổng giám đốc Sunny Chan, Giám đốc xuất khẩu Raphael Cheung Man, Giám đốc tài chính Sarah Yeung và Giám đốc quốc gia Campuchia Hing Ip Chung.
Vanny Bio Research đã từ chối một số yêu cầu tham quan hai cơ sở chăn nuôi của họ ở Campuchia. Một trong hai cơ sở đó rộng 40 ha và nằm rất gần tòa nhà Cục Lâm nghiệp.
Các yêu cầu của phóng viên trong các cuộc điều tra trước đây về vai trò của chính phủ trong việc nhân giống khỉ, phát triển rừng và các sáng kiến tái trồng rừng đều bị phớt lờ. Trong một thông cáo báo chí, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia cho hay họ “ngạc nhiên và đau buồn” khi nghe tin về việc Kry bị bắt giữ, và rằng thật trớ trêu thay khi mà ông này bị bắt trên đường đến Mỹ khi tham dự cuộc họp về việc bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, Bộ giữ nguyên quan điểm rằng khỉ “không bị bắt từ thiên nhiên hoang dã và buôn lậu ra ngoài” và vẫn tôn trọng các nguyên tắc và quy định. Tuyên bố kết thúc với lời hứa của Bộ sẽ “tìm kiếm công lý cho các quan chức của bộ.”
Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia đã có công hàm gửi Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh nhằm yêu cầu làm rõ về vụ bắt giữ và “yêu cầu trả tự do cho ông Kry và cho ông ở lại Đại sứ quán Campuchia ở Washington.”
Đáp trả lại yêu cầu này, đặc vụ An ninh Nội địa Hoa Kỳ – Ricky Patel đã tuyên bố trong thông cáo rằng các cơ quan liên bang sẽ tiếp tục “tận dụng tất cả các lực lượng chức năng để ngăn chặn mọi cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật của chúng tôi – bất kể họ cư trú ở đâu trên thế giới”.
Việc buôn bán các loài linh trưởng bị đe dọa như khỉ đuôi dài được coi là hợp pháp với điều kiện phải đáp ứng được các yêu cầu của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Mấu chốt của công ước là một hệ thống giấy phép, xác nhận rằng các quy tắc liên quan đến phúc lợi động vật và yêu cầu nuôi nhốt được tuân thủ.
Theo tài liệu của tòa án Mỹ, các tội ác bị cáo buộc bao gồm bắt khỉ hoang dã từ các khu bảo tồn ở Campuchia, làm giả giấy phép xuất khẩu, cũng như đưa và nhận hối lộ. Nếu bị kết tội, các bị cáo phải đối mặt với án tù lên tới 5 năm cho tội âm mưu, 20 năm cho tội buôn lậu và phạt tiền lên tới 250.000 USD.
Năm 2014, Cơ quan quản lý CITES ở Campuchia đã gửi một lá thư tới Ban thư ký CITES, đây là một trong những tài liệu công khai duy nhất có thông tin về sáu cơ sở chăn nuôi khi đó ở Vương quốc này.
Bức thư nêu rõ việc bắt khỉ hoang dã đã bị đặt ngoài vòng pháp luật vào năm 2010, sau khi cấp giấy phép cho gần 37.800 con khỉ bắt từ tự nhiên từ năm 2003 đến 2009.
Ông Omaliss – Chủ tịch của Cơ quan khoa học CITES về tài nguyên rừng và động vật hoang dã trên cạn của Campuchia hiện là một trong tám người đang bị truy tố từng chia sẻ trong một bài báo đăng tải năm 2016 trên tờ Khmer Times rằng không có giấy phép nào được phê duyệt cho việc bắt giữ khỉ hoang dã từ năm 2010.
Tài liệu của tòa án cáo buộc Omaliss và Kry giám sát các giao dịch cũng như tổ chức bắt và vận chuyển hàng nghìn con khỉ hoang dã và khoảng 80.000 USD được cho là khoản tiền Vanny Bio Research bỏ ra để mua chuộc các quan chức của bộ.
Dẫn một ví dụ cụ thể vào năm 2018, tài liệu của tòa án cáo buộc rằng Omaliss và Kry đã đồng ý nhận các khoản thanh toán bằng tiền mặt để lấy khỉ hoang dã từ các công viên quốc gia và khu bảo tồn rồi giao chúng cho một cơ sở chăn nuôi, cũng như cung cấp giấy phép xuất khẩu CITES giả cho 3.000 cá thể khỉ.
Mỗi cá thể khỉ được định giá 220 USD “tiền trà” – một cách nói thông tục được sử dụng ở Anh để chỉ một khoản hối lộ. Đây là một khoản tiền đáng kể so với mức lương tối thiểu mới được tăng gần đây của Campuchia là khoảng 200 USD/ tháng cho công nhân may mặc.
Xáo trộn giữa các giao dịch được nhắc đến trong một tài liệu kế toán nội bộ năm 2018 của Vanny Bio Research, Omaliss đã yêu cầu tổ chức này chi khoảng 10.000 USD quyên góp cho Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Khoản quyên góp được thực hiện một tháng trước cuộc tổng tuyển cử của Campuchia – khi ghế Thủ tướng chắc suất cho Thủ tướng Hun Sen, người có 37 năm làm Thủ tướng của Campuchia và giúp ông trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất Đông Nam Á.
Buôn bán khỉ ở Campuchia
Từ năm 2010 đến 2019, tổng giá trị buôn bán khỉ đuôi dài ở Campuchia vào khoảng 1,25 tỷ USD, trong đó, ngành công nghiệp buôn bán linh trưởng chạm mức 11,3 triệu USD vào năm 2017.
Nhu cầu về khỉ đuôi dài tăng vọt sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo số liệu thống kê thương mại toàn cầu, trung bình một cá thể khỉ có giá trị lên tới 2.000 USD.
Campuchia thống trị thị trường buôn bán khỉ sau khi dịch bệnh bùng phát. Theo cơ sở dữ liệu thương mại của CITES, Vương quốc này chiếm đến 78,5% thương mại khỉ toàn cầu vào năm 2020. Cơ sở dữ liệu cũng ghi nhận cứ 5 cá thể khỉ thì có 3 cá thể được xuất khẩu sang Mỹ.
Campuchia đã giao dịch hơn 32.300 cá thể khỉ trên toàn thế giới vào năm 2020, tăng gần gấp đôi lượng xuất khẩu so với năm trước.
Một báo cáo về thực trạng, các mối đe dọa và bảo tồn các loài linh trưởng trong khu vực cho biết có khả năng nhiều cơ sở nghiên cứu không ưu tiên phúc lợi động vật mà chỉ đang “rửa” các cá thể linh trưởng hoang dã thông qua buôn bán hợp pháp.
Bản cáo trạng cũng cáo buộc các bị cáo mua trái phép khỉ đuôi dài từ chợ đen ở Campuchia và Thái Lan để thúc đẩy “các hoạt động nhân giống có mục đích”.
Các nhà linh trưởng học lo lắng về các tác động của việc loại bỏ khỉ khỏi môi trường sống của chúng trên quy mô lớn như vậy cũng như lo ngại cho các hệ sinh thái của Đông Nam Á.
Trong một cuộc phỏng vấn, Malene Friis Hansen – Giám đốc Dự án Khỉ đuôi dài cho biết loài này rất quan trọng về mặt sinh thái. Ông chia sẻ: “Khỉ thực sự vừa là kẻ săn mồi, vừa đóng vai trò phát tán hạt giống. Chúng là một phần quan trọng của hệ sinh thái. Chúng ta cần xem xét loài nào thực sự đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, loài nào đang giúp bảo tồn, gìn giữ và tái tạo các khu vực tự nhiên.”
Bà Sarah Kite – nhân viên Mạng lưới giám sát vận chuyển linh trưởng cho biết: “Thực tế là những cáo trạng này không chỉ liên quan đến nhân viên trong một công ty cụ thể này, mà còn liên quan đến các quan chức trong Bộ Lâm nghiệp Campuchia. Đây nên là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các chính phủ và ngành công nghiệp này. Chúng tôi hiện cũng không biết có còn bất kỳ công ty hoặc quốc gia nào khác tham gia vào hoạt động này và ở mức độ nào nữa.”